khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 26/06/2012 - 08:28

Chuyển biến trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch

Quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của chính quyền các cấp nhằm theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, trên cơ sở đó bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình, góp phần xây dựng, hoạch định chính sách về KT- XH, an ninh quốc phòng và dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Người dân tra cứu thông tin hộ tịch tại bộ phận “Một cửa liên thông hiện đại” phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn.
 
Những năm qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của tỉnh ta đã đáp ứng tốt nhu cầu đăng ký các sự kiện hộ tịch của công dân. Các hoạt động như đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, thực hiện đăng ký nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch, cấp lại bản chính giấy khai sinh, bản sao giấy tờ hộ tịch... đều được thực hiện có nền nếp, hiệu quả.

Việc bố trí cán bộ, công chức và tổ chức bộ máy làm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn. Toàn tỉnh hiện có 233 cán bộ, trong đó cán bộ chuyên trách hộ tịch là 86 người (đạt tỷ lệ 37%); cán bộ kiêm nhiệm là 104 người; hợp đồng 43 người; 78 người có trình độ Đại học; 60 người trình độ trung cấp Luật, còn lại là trình độ chuyên môn khác.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp-hộ tịch của tỉnh hiện vẫn còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Theo quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP (ngày 22-2-2009) về quy định chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì số cán bộ trong toàn tỉnh là 400 người, nhưng thực tế tỉnh ta chỉ có 233 cán bộ làm công tác hộ tịch, còn thiếu khoảng 40% so với chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ không đồng đều, phần lớn kiêm nhiệm, lại thường xuyên luân chuyển nên khó đảm trách các hoạt động chuyên môn hộ tịch.  

Từ khi áp dụng Nghị định 158/2005/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc tuân thủ quy định pháp luật về hộ tịch được cải thiện với những thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Từ năm 1999 đến nay, thực hiện chế độ sổ kép theo quy định tại Nghị định số 83/1998/NĐ-CP và Nghị định 158, việc lưu trữ sổ hộ tịch được tiến hành cả hai cấp (xã, huyện) và được thực hiện tương đối tốt. Các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hồ sơ và sổ hộ tịch được lưu trữ theo từng loại việc, chia ra từng năm, đáp ứng được yêu cầu khai thác, tra cứu dễ dàng, tiện lợi.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật điều chỉnh tuy nhiều nhưng không tập trung đã gây khó khăn cho đội ngũ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch khi thực hiện nhiệm vụ cũng như người dân trong tìm hiểu pháp luật về hộ tịch. Những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật mà chỉ dừng lại ở văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nên tính pháp lý chưa cao. Các quy định về thẩm quyền còn bất cập, chưa rõ ràng, thiếu thống nhất dẫn đến tình trạng đăng ký sai thẩm quyền do chưa phân định được thẩm quyền đăng ký…

Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo mô hình “một cửa liên thông hiện đại”. Các thủ tục hành chính về hộ tịch liên quan trực tiếp đến người dân được niêm yết công khai tại trụ sở. Nhiều thủ tục hành chính về hộ tịch được cắt giảm về thành phần hồ sơ, mẫu đơn, tờ khai, rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ những thủ tục rườm rà.

UBND tỉnh cũng đã đầu tư Dự án xây dựng hệ thống thông tin quản lý hộ tịch với kinh phí lên đến 18 tỷ đồng, trang bị toàn bộ trang thiết bị làm việc, phần mềm quản lý phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong toàn tỉnh. Đây có thể xem là bước đột phá trong công tác hộ tịch tiến tới thống nhất chuyển quản lý hộ tịch bằng dữ liệu điện tử thay sổ sách, biểu mẫu hộ tịch như hiện nay, giúp cơ quan Nhà nước đưa ra những chính sách hợp lý, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công-một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2020.

Bài, ảnh: Yến Minh
Top