Đây là Ngày hội gia đình đầu tiên trên địa bàn tỉnh do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đến dự và chung vui với các gia đình trong ngày hội có đồng chí Nguyễn Tiến Nhường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cùng đông đảo cổ động viên đến từ khắp các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Trao Cờ lưu niệm cho các đơn vị tham dự hội thi
?xml:namespace>
Tiếp tục phát huy giá trị truyền thống, văn hóa của gia đình Việt Nam, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm của xã hội, hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững trong thời kỳ mới. Cùng với đó là góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc”; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong gia đình, xã hội; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa và đấu tranh ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình.
Trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học
?xml:namespace>
Kỷ niệm 11 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày hội gia đình hạnh phúc tỉnh Bắc Ninh tưng bừng diễn ra với 3 hoạt động lớn: Thi tìm hiểu kiến thức gia đình; Liên hoan các tiểu phẩm về phòng, chống bạo lực gia đình và Giao lưu văn hóa ẩm thực.
Sôi nổi và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình nhất trong ngày hội là phần thi Kiến thức gia đình với sự góp mặt của 14 gia đình đại diện cho Hội Phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng Công an, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Các gia đình phải trải qua nhiều nội dung khác nhau như: Trình diễn thời trang, Năng khiếu, Kiến thức, Xử lý các tình huống. Mỗi đội gồm bố, mẹ và con.
Phần thi xử lý tình huống dành cho các ông bố khi vợ vắng nhà
?xml:namespace>
Nếu như ở phần thi trình diễn thời trang, năng khiếu, kiến thức tất cả thành viên trong gia đình cùng được sát cánh bên nhau, thấu hiểu và san sẻ thì đến phần thi xử lý tình huống khi vợ vắng nhà, người bố sẽ phải một mình độc lập giải quyết các tình huống về chăm sóc trẻ hoặc giáo dục con trong độ tuổi vị thành niên do Ban Tổ chức đưa ra. Lồng ghép với phần thi kiến thức gia đình là những tiểu phẩm về Phòng, chống bạo lực gia đình của Đội Tuyên truyền viên các huyện, thị xã, thành phố. Tuy có chung một chủ đề nhưng mỗi đơn vị đã sáng tạo, dàn dựng những tiểu phẩm có ý nghĩa sâu sắc, mang đến nhiều thông điệp khác nhau về phòng chống bạo lực gia đình.
Đến với ngày hội gia đình hạnh phúc, khán giả không chỉ được thưởng thức tài năng nghệ thuật của các ông bố, bà mẹ và những đứa trẻ ngoan qua từng tiểu phẩm, bài hát, điệu múa, vần thơ mà còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản do chính những người phụ nữ Bắc Ninh đảm đang, khéo léo, tài hoa chế biến như: Bánh đúc riêu cua, Bún riêu cua (Vạn An, thành phố Bắc Ninh); Đậu phụ Trà Lâm, Nem Bùi, Tương Bà Chằm (Thuận Thành); Bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong), Bánh chưng, Mì gạo (Lương Tài), Dưa lê (Tiên Du)… Với 16 gian hàng ẩm thực, vừa giới thiệu những đặc sản của mỗi gia đình, vùng quê vừa bán để gây quỹ phòng chống bạo lực gia đình.
Lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của chị em phụ nữ
?xml:namespace>
Ngày hội thực sự là sân chơi bổ ích để các gia đình được giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững và gắn kết hơn nữa các thành viên trong gia đình. Thí sinh Nguyễn Thị Nga, thôn Phú Mẫn, Thị trấn Chờ, Yên Phong chia sẻ: Đến với ngày hội, gia đình tôi mang đến một thông điệp là hãy dành thời gian quan tâm và yêu thương nhiều hơn đối với con trẻ. Bởi một gia đình hạnh phúc bền vững là luôn luôn có sự lắng nghe, thấu hiểu và gắn kết yêu thương. Tôi cũng như rất nhiều gia đình khác đều mong muốn được tham gia vào những ngày hội giao lưu kiến thức, văn hóa nghệ thuật bổ ích như thế này để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm và hoàn thiện.
Cháu Lê Thị Nguyệt Quế, 10 tuổi (thị trấn Phố Mới, Quế Võ) kiêu hãnh kể về gia đình mình: Cháu luôn cảm thấy tự hào vì có một gia đình hạnh phúc, bố mẹ dành rất nhiều tình yêu thương cho chúng cháu.
Ngày hội được tổ chức không ngoài mục đích tôn vinh vai trò vị trí của gia đình trong xã hội Việt
Nam hiện đại, khẳng định ý nghĩa thiêng liêng của Ngày Gia đình Việt
Nam hằng năm. Thông qua các hoạt động, Ngày hội muốn gửi đến tất cả các thí sinh và đông đảo khán giả thông điệp: Mỗi thành viên trong gia đình đều có quyền và trách nhiệm như nhau, trên mối quan hệ yêu thương, sự bình đẳng về giới, mọi thành viên đều có nghĩa vụ trong xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Tiểu phẩm “Chuyện gia đình nhà anh Tít” của đơn vị huyện Thuận Thành
?xml:namespace>
Đặc biệt và ý nghĩa hơn cả trong ngày hội, chính là được chứng kiến những tình cảm và nghĩa cử cao đẹp mà cán bộ, hội viên, công chức, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp cùng đông đảo nhân dân đã quyên góp ủng hộ để trao tặng 5 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo (25 triệu đồng/mái ấm) cùng 9 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó với trị giá 2 triệu đồng/suất.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Nhung, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu trong Lễ khai mạc: “Chúng tôi mong sao tất cả các hoạt động trong ngày hội sẽ đọng lại trong mỗi chúng ta những suy nghĩ “Hãy làm gì cho phụ nữ, cho gia đình” vì mục tiêu bình đẳng, tiến bộ xã hội và để ngày Gia đình Việt Nam là mốc thời gian quan trọng giúp mỗi người hướng về cội nguồn, người thân, gia đình, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý để gắn kết hơn nữa tổ ấm đích thực của mỗi gia đình”.
Ngày hội đã kết thúc và để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng người tham dự với những hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc cho Ngày gia đình Việt
Nam. Trong không khí sôi động, tưng bừng của ngày hội đã có biết bao thông điệp yêu thương, những tâm tư, tình cảm được bố mẹ và các con trao gửi cho nhau. Đó không phải là khẩu hiệu mà là những lời sẻ chia xúc động, gieo vào lòng mỗi người cảm giác ấm áp, hạnh phúc khi nghĩ về gia đình thân yêu của mình.