Trong suốt quá trình hoạt động, Agribank Yên Phong luôn bám sát lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và ưu tiên nguồn vốn cho “mặt trận” quan trọng hàng đầu này. Đến cuối tháng 6, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị đạt 420 tỷ đồng, dư nợ đạt 460 tỷ đồng cho gần 3.000 lượt khách hàng vay và có tới 95% tổng dư nợ phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra đơn vị còn cho hơn 2.000 lượt khách hàng vay tín chấp không phải thế chấp là 35 tỷ đồng. Agribank Yên Phong đã giải ngân gần 20 tỷ đồng cho xã Đông Thọ được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Quá trình thẩm định, ngân hàng đã vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách cho vay để đầu tư nguồn vốn hiệu quả. Nhà nước chủ trương giảm dần lãi suất cho vay là cơ hội lớn để khách hàng tiếp cận được nguồn vốn, đầu tư hiệu quả cho sản xuất kinh doanh. Agribank Yên Phong tận dụng nhiều biện pháp tăng nợ như ưu tiên nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; hạ lãi suất hợp lý trong điều kiện đang cho vay nguồn vốn cũ. Đây là bước đi thích hợp để vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn Agribank từng bước góp phần phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn, đem lại cuộc sống no đủ cho người dân địa phương. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Ái, thôn Yên Tân, xã Hoà Tiến với dư nợ hiện tại của Agribank Yên Phong hơn 1,7 tỷ đồng, gia đình ông đầu tư nuôi 13.000 con gà đẻ trứng và 3.000 con gà giống. Mỗi ngày cung cấp ra thị trường hàng nghìn quả trứng. Ông Ái cho biết: “Năm 2011 tổng doanh thu của gia đình đạt hơn 3 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm nay, thị trường tiêu thụ chậm, giá trứng lại rẻ, nhưng nhờ có sự hỗ trợ kịp thời nguồn vốn từ Agribank, cùng sự tận tâm, đồng hành của cán bộ tín dụng Agribank, gia đình ông duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Trên địa bàn huyện Yên Phong, giờ đây có rất nhiều mô hình trang trại có quy mô lớn như gia đình ông Ái. Nơi đây Agribank đóng vai trò như “lực đẩy” giúp nhiều người dân địa phương thoát nghèo, từng bước “ăn nên làm ra” và có điều kiện làm giàu ngay tại nơi “chôn nhau cắt rốn”, đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc và đáp ứng nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới.