khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 04/07/2012 - 08:34

Xuất khẩu tăng trưởng không đều

Theo số liệu của Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.261,5 triệu USD, tăng 145,2% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 55,4% kế hoạch. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp địa phương chỉ đạt 17,4 triệu USD, bằng 82,1% so cùng kỳ, đạt 38,7% kế hoạch năm, trong khi khu vực doanh nghiệp FDI, tăng 148,6% so cùng kỳ, đạt 55,6% kế hoạch...

Công ty Cổ phần VS Industry VN (KCN Quế Võ) đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI tăng trưởng.

 
 
Xét về tỉ lệ chiếm trong tổng kim ngạch xuất khẩu: Doanh nghiệp Trung ương chiếm 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp địa phương chiếm 0,33% và doanh nghiệp FDI chiếm tới 99,27%. Đáng chú ý hơn, đóng góp phần lớn cho kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI là Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Nhà máy Canon Việt Nam. Riêng 2 doanh nghiệp này ước đạt 5.010,7 triệu USD, chiếm tới 95,23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và chiếm 96,07% kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong 6 tháng đầu năm của khu vực FDI là hàng điện, điện tử vẫn tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị. Cụ thể: Nhóm hàng công nghiệp xuất khẩu ước đạt 5.244,9 triệu USD, tăng 145,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó mặt hàng điện tử là điện thoại di động và máy in (chủ yếu của các doanh nghiệp FDI) ước đạt 5.010,7 triệu USD, chiếm tới 95,23% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh; nhóm hàng nông lâm sản là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp địa phương ước đạt 16,4 triệu USD, tăng 38,9% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu do các sản phẩm xuất khẩu hồi, quế sơ chế đã tăng cả về lượng và giá, song không bù được mức giảm của các mặt hàng xuất khẩu khác ở khu vực kinh tế này; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ cũng là nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp địa phương ước đạt kim ngạch 118 ngàn USD, chỉ bằng 12,9% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng chính như bàn, ghế, giường tủ gỗ xuất khẩu đã tăng cao. Song nguyên nhân chính vẫn là thị trường tiêu thụ các mặt hàng này đang gặp khó khăn, ít các đơn hàng, mặt bằng giá bị sụt giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn đọng nhiều. Ông Lê Trọng Quý, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh tấm bông Hà Nội  EVC ở KCN Thuận Thành III cho biết: “Hàng năm, 50 - 60% sản phẩm của công ty xuất khẩu. Năm nay, tuy số bạn hàng vẫn ổn định, thậm chí còn tăng hơn trước nhưng do lượng sản phẩm/đơn hàng lại giảm nhiều, có nhiều khách hàng giảm 50 - 70% sản phẩm/đơn hàng nên sản phẩm xuất khẩu giảm nhiều, chỉ bằng 50% so cùng kỳ năm trước”.

Những kết quả trên cho thấy doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy xuất khẩu của tỉnh. Đặc biệt, những tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp địa phương chậm lại, thì khối doanh nghiệp FDI  vẫn duy trì với tốc độ tăng trưởng cao. Theo ông Nguyễn Xuân Chín, Phó Giám đốc Sở Công Thương, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp FDI đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước là nhờ những ưu thế vượt trội mà khối doanh nghiệp này đang nắm giữ như: Thị trường tiêu thụ cộng thêm những ưu đãi về thuế, về đất đai… khi các doanh nghiệp FDI vào đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu vẫn sản xuất quy mô nhỏ lẻ; hoạt động xuất khẩu còn chưa vững chắc và rất dễ bị tổn thương bởi sự biến động giá cả trên thị trường thế giới hay sự xuất hiện của các rào cản thương mại mới của nước ngoài; cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chưa hợp lý, thể hiện trên cả 3 phương diện: Chủng loại hàng hoá xuất khẩu còn đơn điệu, giá trị gia tăng không cao, các mặt hàng công nghiệp như dệt may, điện tử... chủ yếu vẫn còn mang tính chất gia công; khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Chín, dù thành phần kinh tế nào tham gia vào xuất khẩu thì cũng là tích cực. Điều quan trọng là phải thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng cường tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị xuất khẩu và nhất là tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp địa phương khi tham gia cuộc chơi toàn cầu rộng lớn. 

Bài, ảnh: Thanh Ngân
Top