khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 05/07/2012 - 08:39

Thực trạng và giải pháp quản lý chất thải rắn

Những năm gần đây, chất thải rắn (CTR) phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng ngày càng gia tăng. Trung bình mỗi năm, các loại CTR tăng từ 8 - 15% (năm 2011 khoảng 818 tấn/ngày), trong đó lượng rác sinh hoạt chiếm 70%. Trước tốc độ tăng nhanh, nếu không xử lý bảo đảm an toàn, những nguồn CTR chứa nhiều nguy cơ sẽ gây tác hại cho sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

Chủ đầu tư - Công ty TNHH một thành viên môi trường và công trình đô thị Bắc Ninh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý rác tại xã Phù Lãng (Quế Võ).

 
 
Theo kết quả khảo sát, tình hình phát sinh CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tăng dần từng năm. Năm 2006, phát sinh khoảng 389 tấn/ngày đến năm 2012 tăng lên 645 tấn/ngày, dự báo năm 2015 tăng đến 876 tấn/ngày. Trong đó, CTR sinh hoạt phát sinh từ các đô thị chiếm tỷ lệ lớn. Chỉ riêng năm 2009, địa bàn thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh phát sinh 266 tấn/ngày, chiếm 50% lượng CTR sinh hoạt toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có  600 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải; 354 bãi rác tự phát đang hoạt động không hợp vệ sinh với tổng diện tích 53,5 ha đất dùng cho mục đích xử lý, chôn lấp. Hoạt động thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn rác trôi nổi ở địa bàn thôn, khu phố. Phần lớn rác không được phân loại tại nguồn mà thu gom lẫn lộn, trong khi đó phương tiện thô sơ dẫn đến tỷ lệ thu gom đạt thấp. Lượng rác thu gom khoảng 271 tấn/533 tấn phát sinh/ngày.

Toàn tỉnh chỉ có bãi Đồng Ngo chôn lấp rác thải hợp vệ sinh nhưng đã trong tình trạng quá tải và gây ô nhiễm. UBND tỉnh quy hoạch và phê duyệt Dự án khu xử lý chất thải với diện tích 60 ha tại Phù Lãng (Quế Võ) và đầu tư xây dựng các điểm tập kết rác thải nông thôn để thu gom rác thải sinh hoạt. Trong công nghiệp, lượng rác thải khoảng 450 tấn/ngày, trong đó phát sinh từ các khu, cụm công nghiệp chiếm 70%, còn lại từ các làng nghề. CTR từ các khu, cụm công nghiệp cơ bản được các cơ sở ký hợp đồng thu gom và xử lý với đơn vị chức năng.

Tại các làng nghề hoạt động thu gom và xử lý còn hạn chế, cơ bản vẫn được để lẫn với rác thải sinh hoạt và đem chôn lấp hoặc đổ ra các bãi rác tự phát. Về CTR y tế, lượng phát sinh không lớn, chỉ khoảng hơn 2 tấn/ngày nhưng chủ yếu là chất thải nguy hại, dễ lây nhiễm (kim tiêm, hóa chất, dược phẩm…). Hiện tại, rác thải y tế được thu gom, phân loại và xử lý bằng lò đốt nhiệt độ cao.

Đối với chất thải nguy hại, hiện có 310 cơ sở sản xuất được cấp sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại (với khoảng 48 tấn phát sinh/ngày) và đã có doanh nghiệp xây dựng nhà máy, ký hợp đồng xử lý với các đơn vị…

Việc quản lý CTR còn phân tán, chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Có loại rác thải (tại làng nghề) chưa xác định được ngành chức năng T.Ư quản lý đã tạo ra lỗ hổng trong công tác quản lý. Trong khi đó, thiếu chế tài phù hợp với công tác xã hội hóa, tư nhân hóa trong lĩnh vực thu gom,  xử lý CTR. Vì vậy, không thực sự thu hút được cộng đồng tham gia, nhất là của các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, chất thải nguy hại trong rác sinh hoạt và nông nghiệp chưa được quản lý và có quy định của pháp luật về phân loại…

Để tăng cường công tác quản lý CTR, ngành chức năng kiến nghị tỉnh nên hoàn thiện sớm hệ thống văn bản quy phạm về bảo vệ môi trường một cách đồng bộ, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, chế tài cụ thể trong trường hợp vi phạm. Gắn với đó là giải pháp về kinh tế, khoa học và công nghệ, tạo điều kiện (về thuế, ưu đãi tín dụng…) cho việc hình thành các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Ứng dụng các công nghệ hiện đại, sản xuất sạch để sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu, giảm thiểu CTR trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung phân loại rác tại nguồn, lựa chọn công nghệ xử lý theo hướng áp dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tổ chức đào tạo chuyên sâu về chuyên môn đối với các đối tượng làm công tác môi trường. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là việc lồng ghép vào chương trình giáo dục một cách khoa học…

Cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế, tỉnh đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu ảnh hưởng của rác thải đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trước sự gia tăng lượng CTR ngày càng lớn, ngoài các giải pháp có tầm nhìn xa cần phải huy động được sự tham gia của toàn cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, nhất là ý thức của người dân trong việc xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn.

Bài, ảnh: Hoàng An
Top