Theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh non yếu tại khoa Nhi.
Đơn nguyên sơ sinh là bộ phận mới được thành lập tại khoa Nhi từ tháng 6 năm 2011 nhằm từng bước điều trị chuyên sâu, góp phần nâng cao công tác điều trị bệnh và chất lượng chăm sóc sức khỏe sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và giảm số lượng bệnh nhân cần chuyển viện. Bộ phận này chiếm 50/ 90 giường bệnh kế hoạch của khoa Nhi, trong đó 20 giường dành cho trẻ suy hô hấp sơ sinh và sơ sinh non yếu.
Việc đưa Đơn nguyên sơ sinh vào hoạt động đã giải quyết khó khăn, bất cập trong tiếp nhận và điều trị trẻ sơ sinh non yếu. Đơn nguyên bố trí các phòng: Cấp cứu sơ sinh, điều trị vàng da, điều trị bệnh hô hấp, điều trị bệnh về tiêu hóa, điều trị tổng hợp và phòng thủ thuật với hệ thống trang thiết bị tương đối hiện đại như: 10 máy thở (trong đó 7 máy hiện đại giúp trẻ sơ sinh non yếu hoặc suy hô hấp thở ở nhiều chức năng khác nhau, 3 máy thở Cpap), hệ thống lồng ấp, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, dàn đèn điều trị vàng da, đèn sưởi, hệ thống oxy-khí nén trung tâm…
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Minh Hiệp, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), đây là hệ thống trang thiết bị hiện đại và để có thể phát huy tối đa tác dụng của hệ thống này, khoa phân công 15/ tổng số 40 y bác sĩ của khoa phụ trách Đơn nguyên sơ sinh.
Cán bộ làm việc tại bộ phận này đều được đào tạo, tập huấn tại viện Nhi TƯ. Nhờ vậy, hiện nay các kỹ thuật trong điều trị sơ sinh đã được khoa thực hiện tốt như: thở máy dài ngày (có bệnh nhi thở máy hơn 20 ngày), thở Cpap, dùng ánh sáng xanh điều trị vàng da do tăng Bilirubin tự do… trong đó điển hình là các kỹ thuật khó như: đặt Cathetr tĩnh mạch rốn để hồi sức và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non yếu, suy hô hấp ở trẻ đẻ non, liệu pháp điều trị thay thế chất Sufactan đối với trẻ suy hô hấp sơ sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non bị màng trong.
Kỹ thuật đặt Cathetr tĩnh mạch rốn và liệu pháp điều trị thay thế Sufactan có tác dụng nuôi dưỡng tĩnh mạch và đo được áp lực trung tâm, làm thay đổi sức căng bề mặt phế nang, làm cho phế nang không bị xẹp và trẻ có thể thở bình thường trong lồng kính. Điển hình, có trẻ sinh non chỉ nặng 800g, bị suy hô hấp nhưng đã được cứu sống nhờ kỹ thuật tiên tiến và trang thiết bị hiện đại.
Hoạt động tích cực của Đơn nguyên sơ sinh tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã góp phần cứu sống nhiều trẻ sơ sinh non yếu, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình.