Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Từ Sơn, địa danh gắn liền với những nét văn hoá đặc sắc của một vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc, nơi có các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đã phát triển từ lâu đời như tuồng, chèo, cải lương, quan họ… Hàng ngày được xem các cô, các chú luyện tập và biểu diễn, cậu bé Vân suốt ngày như mê mẩn, chỉ ước mong một ngày nào đó được đứng trên sân khấu, được đắm mình trong những vai diễn tuồng quyến rũ.
Ước mơ của Vân đã trở thành hiện thực. Tháng 9-1977, Vân đã trúng tuyển vào Khoa Tuồng, thuộc Trường Sân khấu-Điện ảnh Việt
Vân tự nhủ: Chỉ có dày công khổ luyện mới có thể thực hiện thành công những đòi hỏi khắt khe, mới thể hiện đầy đủ những nét tinh tuý, độc đáo của nghệ thuật tuồng. Được sự động viên, ân cần dạy bảo của các thầy cô giáo, trong đó có nhiều người rất nổi tiếng như Nghệ sỹ Nhân dân Bạch Trà, Nghệ sỹ Nhân dân Quang Tốn, Nghệ sỹ Nhân dân Tiến Thọ… tháng 9-1981, Phan Thanh Vân đã tốt nghiệp Khoa Tuồng, Trường Sân khấu-Điện ảnh với tấm bằng loại giỏi.
Trở thành diễn viên Đoàn nghệ thuật tuồng Hà Bắc, Phan Thanh Vân đã sớm thể hiện tài năng của mình, trở thành diễn viên nòng cốt của đoàn, được giao và biểu diễn thành công nhiều vai diễn khó. Cùng đồng nghiệp dàn dựng nhiều vở diễn phục vụ nhân dân ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Đối với Phan Thanh Vân, những chuyến lưu diễn dài ngày không chỉ để lại những kỷ niệm khó quên, còn giúp anh tích luỹ nhiều kinh nghiệm biểu diễn, từng bước khẳng định mình trên con đường nghệ thuật. Tại Hội diễn sân khấu tuồng toàn quốc tháng 10-1985, anh đã được tặng Huy chương Vàng cho vai diễn “Cụ Đồ Kinh Bắc”, trong vở “Bà Ba Cai Vàng”. Năm 1990, Phan Thanh Vân lại xuất sắc giành Huy chương Vàng vai “Trần Dĩnh” trong vở “Thiếu phụ Nam Xương” tại Hội diễn sân khấu tuồng toàn quốc tại Hải Phòng…
Đúng vào lúc tài năng nghệ thuật của Phan Thanh Vân đang ở độ chín, có điều kiện phát triển nhất thì Đoàn tuồng Hà Bắc phải giải thể. Thế là mỗi người mỗi ngả. Người thì xin vào làm hậu trường cho đoàn chèo, người thì về phòng Văn hoá… Còn Phan Thanh Vân thì ngậm ngùi… khăn gói về quê…
Thế rồi cái nghiệp diễn, cái ánh đèn sân khấu huyền ảo ngày nào luôn thôi thúc Vân không thể xa rời những vai tuồng đã gắn bó với mình như máu thịt, như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Anh tìm đến các CLB tuồng ở một số địa phương xin được tham gia luyện tập và biểu diễn. Và cũng tại những CLB tuồng nghiệp dư ở quê mình, anh đã có điều kiện đem kiến thức đã học và kinh nghiệm biểu diễn truyền đạt cho những lớp diễn viên trẻ. Vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn anh lấy cái vất vả, niềm đam mê của mình cùng các CLB dàn dựng và biểu diễn nhiều vở tuồng truyền thống và hiện đại, mang nhiều nội dung sâu sắc, động viên mọi người hăng say lao động sản xuất, thực hiện nếp sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Niềm đam mê, khát vọng dâng hiến cho nghệ thuật tuồng đã giúp Phan Thanh Vân gặt hái được những thành công mới. Năm 1996, tại Hội diễn sân khấu tuồng tại Bắc Giang, anh được tặng giải A cho vai “Thái sư Hàn Phụng” trong vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân”. Tháng 2-1998, tại Hội diễn sân khấu tuồng tỉnh Bắc Ninh, anh giành Huy chương Vàng vai “Vương Tư Đồ” trong vở “Lã Bố hý Điêu Thuyền”. Tháng 4-1998, anh lại giành Huy chương Bạc vai “Ông già Cẩm Giang” tại Liên hoan sân khấu tuồng tại Hà Nội. Đặc biệt, từ năm 2001 đến 2003, anh liên tiếp giành 3 Huy chương Bạc tại các kỳ liên hoan nghệ thuật tuồng toàn quốc và của tỉnh.
52 tuổi đời, trong đó có 35 năm cống hiến cho nghệ thuật tuồng những thăng trầm, niềm vui và nỗi buồn, có cả vinh quang và mặc cảm, nhưng một con người luôn sống vì nghệ thuật, cống hiến hết mình cho nghệ thuật như Phan Thanh Vân sẽ gặt hái được những thành công. “Tôi mong muốn ngày càng có nhiều người yêu mến nghệ thuật tuồng để cùng giữ gìn, phát huy và quảng bá những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Tôi luôn tự nhủ mình phải nuôi dưỡng niềm đam mê và cống hiến cho nghệ thuật tuồng, đến khi nào sức khoẻ không cho phép nữa mới thôi”. Nghệ sỹ Ưu tú Phan Thanh Vân trải lòng mình như thế.
Bằng tài năng và những cống hiến của mình cho nghệ thuật tuồng, Phan Thanh Vân đã trở thành hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, được Bộ Văn hoá-Thông tin trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hoá quần chúng”. Nhân dịp Phan Thanh Vân đón nhận danh hiệu cao quý Nghệ sỹ Ưu tú do Nhà nước phong tặng, chúng ta cùng chúc anh tiếp tục bay cao, bay xa hơn nữa trên bầu trời nghệ thuật của mình.