“Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi”
Ở mọi miền quê, dòng sông bao giờ cũng gắn liền với những kỷ niệm về tình yêu đôi lứa và là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca nhạc họa.
Sông Cầu, con sông chảy giữa đồng bằng Bắc bộ nơi Kinh Bắc ngọt ngào từng câu Quan họ mời chào. Sông còn có cái tên thơ mộng từ xa xưa: Như Nguyệt, ghi dấu một thời oanh liệt người anh hùng áo vải Lý Thường Kiệt đứng trong đền Xà oai phong như một vị thần đọc bài thơ sấm trong lúc giao tranh với quân Tống, khiến chúng phải khiếp vía kinh hoàng buông khiên giáo đầu hàng.
“…
Vừa lúc tôi đang thả hồn vào dòng sông huyền thoại, thì nhận được cú phôn của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Minh Thắng, người đã nhận được giải thưởng văn học của Hiệp hội các nhà văn năm 2010 cùng nhiều tác phẩm có tiếng vang khác như tiểu thuyết Người không mang họ bố, Người đẹp thế kỷ, Thạch am nữ v.v…
- Bình ơi! Chú vừa có một câu thơ lục bát của nhà thơ Nguyễn Văn May bên Bắc Ninh, đăng trong bài “Nối nhịp cầu tình” trong tập “Dáng quê”-(NXB văn hóa Dân tộc-2012) chú rất thích, nhưng chú đang nằm viện. Chú muốn cháu bình câu thơ đó, có được không?
Ông đọc cho tôi nghe và hình như qua điện thoại, ông đã truyền sang cho tôi một cảm xúc rất lạ. Tôi “vâng” và ngâm nga hai dòng sáu tám đó:
Trời yên sao yếm em bay?
Làm trăng Như Nguyệt đắm say hẹn hò.
Câu thơ quả là hay! Thiếu nữ chơi trăng chắc hẳn đã muộn, bởi chỉ khi đó trăng mới vằng vặc in đáy nước sông Như Nguyệt. Trong cái khoảng không gian tĩnh lặng yên ả ấy, bỗng xuất hiện một nàng. Nàng đã để yếm bay (?)
Trời yên sao yếm em bay? Sao không phải là tóc em bay, hay áo em bay mà lại là yếm em bay?
Không có gió sao yếm lại bay? Cái vạt yếm nhỏ nhắn không thể bay phất phới như tà áo cánh được. Vì sao vậy? Có phải chính sự vô tình của nàng đã trở thành cái hữu ý của bức tranh khuya thiên nhiên toàn cảnh hữu tình?
Thời xưa (vì ngày nay không còn ai mặc yếm) trong trang phục hàng ngày của phụ nữ thì yếm là một dải áo mỏng không có tay và không có vạt sau. Chỉ đơn giản là chiếc áo lót bằng miếng vải chéo nhỏ buộc ngang lưng và có dây buộc ở cổ để hở khoảng vai và hai cánh tay trần và để che phần ngực của người phụ nữ. Do vậy nó là phần trang phục gợi cảm chỉ mặc ở bên trong, thì làm sao mà bay được?
Không! Nàng không để yếm bay đâu! Mà chính nàng đã tự cởi dải yếm để lại trên bờ, rồi bước đôi chân ngà ngọc xuống mé nước đùa với ánh trăng và đằm mình tắm mát trên dòng sông Như Nguyệt.
Thật là tuyệt mỹ! Cảm ơn tạo hóa và đất trời đã khéo bày đặt lên cảnh này! Một bức tranh tuyệt tác ban tặng cho con người, khiến cho nhà thơ phải thốt lên:
“Trời yên, sao yếm em bay?
Làm trăng Như Nguyệt đắm say hẹn hò”
Câu 8 ở dòng dưới, hình như tác giả lại thích cả chơi chữ nữa. Động từ “làm” (làm cho) gần như trăng bị điều khiển bởi cảm xúc đó. Chưa hết, Trăng thì cũng chính là Nguyệt. Như Nguyệt là tên gọi khác của sông Cầu và lại là cái bóng mình của trăng. Vậy trăng hẹn hò say đắm với ai đây? Nếu đó không phải là dòng sông thì sao cứ đến tuần, trăng lại buông bóng mình đắm chìm trong đáy nước?
Vì sao vậy? Tại nàng đấy! Tại cái yếm của nàng đấy! Nó bị “bay” trong khoảng không gian tĩnh lặng, đã làm khuynh đảo nơi này bằng câu thơ lục bát mà thi nhân Nguyễn Văn May đã cảm tác:
Trời yên sao yếm em bay
Làm Trăng Như Nguyệt đắm say hẹn hò.
Chẳng khác nào Hồ Xuân Hương trách thiếu nữ ngủ ngày:
… Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong!
Vậy nên tức cảnh sinh tình:
“Làm trăng Như Nguyệt đắm say hẹn hò”
Cái tài của tác giả là đã cụ thể hóa được cái thực và cái ảo. Cái thực là có một nàng để yếm “bay” như thế, có một đêm trăng như thế trên sông Như Nguyệt. Còn cái ảo là đã tình ái hóa cho vạn vật, trăng và sông cũng biết hẹn hò say đắm giống như con người bằng nghệ thuật nhân cách hóa…
Bằng câu lục bát chỉ vẻn vẹn có 14 tiếng, vậy mà tác giả đã làm khuynh đảo một khoảng không gian tĩnh lặng, khiến cảnh vật ngây ngất men tình đến đắm say! Khiến người đọc thấy sửng sốt trước sự táo bạo tài hoa của tác giả đã vẽ lên vẻ đẹp như nàng tiên giáng trần.
Xin cám ơn nhà thơ trữ tình Nguyễn Văn May, anh đã mang tặng chúng ta một món quà vô giá giống như một pho tượng thần vệ nữ bên dòng sông Như Nguyệt.