khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 17/07/2012 - 14:43

Khoảng lặng giữa cuộc đời

“Đêm mất điện” là bài thơ được rút trong tập “Lòng tay” của nhà thơ Anh Vũ, do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2008.

 

Đêm mất điện

 

Rồi cũng được hôm mất điện

mà nhớ đang mùa còn trăng

rủ vợ ra sân nói chuyện

mặt kề dịu từng nếp nhăn

 

Là nhắc ngày đầu với nhau

khao khao chẳng đủ giọt dầu

lạt xạt rạ rơm sơ tán

dế gáy đêm vời vợi sâu

 

Cơ hồ chính con dế ấy

theo trăng chợt về đêm nay

lặng lặng phần đời nhìn lại

ran ri nỗi nỗi vơi đầy.

 

“Đêm mất điện” - một cái tựa đề chẳng “thơ” chút nào, ấy thế mà khi đọc vào từng câu chữ, bài thơ chợt trở thành nỗi ám ảnh với tôi lúc nào chẳng rõ. Trong cuộc sống hiện đại, cái sự mất điện là điều không ai mong đợi, nhất là vào buổi đêm mùa hè oi nồng thì thật là một cực hình. Trong bối cảnh đó mọi người thường ca thán “Lại mất điện”, nghe thật nặng nề mệt mỏi. Thế nhưng, với nhà thơ cái sự “mất điện” lại được đón đợi như mong chờ lắm lắm “Rồi cũng được hôm mất điện”, nghe thật lạ lùng. Chầm chậm lần theo từng khổ thơ và ngẫm nghĩ mới thấy suy tư của nhà thơ dần hé mở với biết bao nỗi niềm về cuộc đời. Thì ra cái sự “mất điện” chỉ là cái cớ để tạo  ra một khoảng lặng giữa cuộc sống bề bộn để tác giả suy ngẫm về cuộc đời với biết bao nỗi niềm... Bài thơ vẻn vẹn 3 kho, 12 câu với 2 nhân vật chính, một nhân vật phụ (con dế) mà bao quát cả cuộc đời với nhiều “khúc - đoạn”. Bức tranh hiện tại- quá khứ, quá khứ rồi hiện tại đan xen mờ ảo với nhiều tâm trạng. Đoạn đầu là bức tranh hiện tại giữa khoảng lặng của “Đêm mất điện”:

Rồi cũng được hôm mất điện

mà nhớ đang mùa còn trăng

rủ vợ ra sân nói chuyện

mặt kề dịu từng nếp nhăn

Một khung cảnh bình yên giữa tác giả với người bạn đời tri kỷ, dù không một câu chữ thể hiện tình yêu thương với vợ, nhưng người đọc có thể cảm nhận rõ tình cảm vợ chồng thật sâu nặng trong cách nói tưởng chừng  bâng quơ nhưng cũng rất đỗi dịu dàng “mà nhớ đang mùa còn trăng/ rủ vợ ra sân nói chuyện/ mặt kề dịu từng nếp nhăn”. Chỉ một chi tiết “nếp nhăn” cũng đủ cho người đọc hình dung về cặp vợ chồng tri kỷ đã cùng nhau đi qua biết bao vui buồn của cuộc đời. Bức tranh kế tiếp là kỷ niệm “những ngày đầu với nhau” với biết bao gian khó “lạt xạt rạ rơm sơ tán”. Ở đây xuất hiện một nhân vật thứ 3, nhân vật phụ nhưng lại là điểm nhấn tạo nên sự sống động trong bức tranh bình dị nơi thôn dã thời chiến tranh: “dế gáy đêm vời vợi sâu”. “đêm vời vợi sâu” hay nỗi niềm thăm thẳm trong tâm hồn con người…  thật khó mà cắt nghĩa cho cụ thể được.

Và điểm bất ngờ nữa khi nhà thơ khéo léo cho “con dế” là nhân vật kết nối quá khứ với hiện tại “cơ hồ chính con dế ấy/ theo trăng chợt về đêm nay…”.  Trong thực tế, đây là sự phi lý nhưng chính sự phi lý này lại giúp bài thơ có sức sống bền bỉ trong tâm trí bạn đọc. Ai cũng có thể hiểu rõ được không thể có sự tồn tại của một con dế qua biết bao năm tháng, nhưng trong tâm trí và suy nghĩ của nhà thơ thì nó mãi mãi “sống” để đến một thời điểm nào đó, nó lại “chợt về” trong nỗi nhớ, khơi gợi biết bao nỗi niềm mà không phải mỗi lúc có thể giãi bày “lặng lặng phần đời nhìn lại /ran ri nỗi nỗi vơi đầy”.

Có lẽ đây chính là mấu chốt khiến cho bài thơ “neo đậu” trong tâm trí tôi, để tôi có thể tìm sự đồng cảm cùng bạn bè yêu thơ. 

Trọng Linh
Top