Kênh dẫn nước thải tại làng nghề giấy Phong Khê xả ra sông Ngũ Huyện Khê gây ô nhiễm môi trường sông Cầu.
Tuy nhiên, đề án có liên quan đến nhiều địa phương nên Ủy ban bảo vệ sông Cầu cần xây dựng được những cơ chế hỗ trợ các chương trình bảo vệ môi trường tại các tỉnh.
Sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh có chiều dài 69 km, qua địa bàn huyện Yên Phong, thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ và chịu ảnh hưởng ô nhiễm chính từ làng nghề nấu rượu Đại Lâm (Tam Đa, Yên Phong); sông Ngũ Huyện Khê - nơi tiếp nhận nước thải từ các làng nghề sản xuất sắt thép ở Châu Khê, tái chế nhôm Văn Môn, giấy Phú Lâm, Phong Khê và các hộ dân cư sống hai bên bờ sông…
Từ việc xác định rõ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước, ngành chức năng tham mưu với tỉnh tăng cường đầu tư các chương trình, dự án bảo vệ môi trường như: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề nấu rượu Đại Lâm, làng nghề Phong Khê, nước thải sinh hoạt thành phố, thị xã Từ Sơn; đánh giá hiện trạng môi trường đất; xây dựng điểm trung chuyển rác khu vực nông thôn; đề án chống biến đổi khí hậu trên dịa bàn tỉnh… Tiến hành quan trắc chất lượng nước, đánh giá nguồn thải tại 6 điểm; đồng thời phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) thực hiện khảo sát địa điểm xây dựng trạm quan trắc tự động trên sông Cầu.
Gắn với triển khai các chương trình, đề án bảo vệ môi trường, công tác thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm cũng được ngành chức năng và các địa phương quan tâm triển khai. Công tác xã hội hóa được khuyến khích để huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông. Thông qua việc hình thành, nhân rộng tổ tự quản bảo vệ môi trường với sự tham gia và phối hợp với các đoàn thể đã huy động được cộng đồng cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường nói chung và lưu vực sông Cầu nói riêng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trước hết là việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các dự án thuộc Đề án tổng thể sông Cầu còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng cả về mức độ và vi phạm, đặc biệt các làng nghề truyền thống đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư cũng như môi trường nước sông Cầu.
Mặt khác, nhận thức của các chủ doanh nghiệp về việc áp dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường còn rất nhiều hạn chế. Một số mô hình sau khi đầu tư xây dựng không được vận hành hoặc vận hành không hiệu quả. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa có đủ nguồn ngân sách dành riêng cho việc xử lý môi trường các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng. Sự phối kết hợp của các ngành chức năng và hiệu lực quản lý Nhà nước chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Ngoài ra, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để tiến hành kiểm soát chất lượng môi trường của ngành còn thiếu nên phụ thuộc rất nhiều vào các Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường của T.Ư…
Để khắc phục tồn tại, tạo môi trường sống trong lành cho các địa phương, Bắc Ninh đề xuất Ủy ban bảo vệ sông Cầu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án thuộc Đề án tổng thể sông Cầu. Đặc biệt, là dự án cải thiện môi trường các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngăn chặn từ gốc các công nghệ sản xuất lạc hậu, không đạt tiêu chuẩn môi trường của các dự án mới. Từng bước đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, giảm dần việc sử dụng và phụ thuộc vào các loại thuốc trừ sâu…