khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 30/07/2012 - 08:46

Khai thác hiệu quả năng lực đầu tư khối kinh tế FDI

Suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp có xu hướng giảm, nhiều cơ sở phải tạm dừng hoặc tiết giảm sản xuất. Tuy vậy, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn những tháng qua vẫn tăng so cùng kỳ. Song nhìn cụ thể vào từng lĩnh vực thì thực chất mức tăng này tập trung cơ bản của khối doanh nghiệp FDI.

Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam (KCN Yên Phong) vẫn đang trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư.

 
 
Thực tế những năm gần đây đã minh chứng ngày càng rõ nét vai trò của khối doanh nghiệp FDI đã trở thành lực lượng sản xuất trọng yếu của tỉnh với hơn 350 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào địa bàn. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI  gần 4 tỷ USD. Tổng quan kết quả sản xuất công nghiệp khối FDI những tháng đầu năm cho thấy: giá trị sản xuất mang lại chiếm hơn 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, dự kiến sẽ chiếm khoảng 90% trong tương lai; giá trị xuất khẩu chiếm tới 99%. Thu ngân sách trong 6 tháng của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 1934/3400 tỷ đồng, chiếm hơn 55% tổng thu ngân sách trên địa bàn, trong đó thu từ hoạt động xuất khẩu đạt khoảng 1300 tỷ đồng và thu nội địa đạt 643,7 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp FDI đăng ký dự án công nghệ cao vẫn đang trong thời gian được Chính phủ cho hưởng ưu đãi ở mức cao, nên phần đóng góp qua các sắc thuế trên địa bàn vẫn chưa khai thác hết năng lực vốn có. Ngoài ra các doanh nghiệp FDI còn tạo việc làm cho khoảng 70% lao động trên địa bàn, chưa kể đến các doanh nghiệp này còn sử dụng hàng loạt các dịch vụ khác như: điện, nước, viễn thông, ngân hàng… tạo ra mạng lưới dịch vụ gia tăng.

Đơn cử như: doanh thu của 3 xã xung quanh KCN Yên Phong mỗi tháng khoảng 14 tỷ đồng (bình quân 1 lao động chi tiêu tối thiểu 700 nghìn đồng/tháng x 20.000 người = 14 tỷ đồng)...
 

Công ty TNHH YUTO Việt Nam (KCN Quế Võ) là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Trung Quốc) chuyên sản xuất bao bì và in ấn.

 
 
Tuy khu vực kinh tế  FDI đứng vị trí đầu tàu, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, song trên thực tế vẫn chưa khai thác hết tiềm lực của nó về cho ngân sách nhà nước. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao vừa hỗ trợ, kích thích khối doanh nghiệp FDI phát triển, vừa để khu vực kinh tế này tham gia đóng góp đúng với năng lực đầu tư của nó tại địa bàn. Để làm được việc này, cùng với các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ, về phía tỉnh cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước. Trong đó nội dung quan trọng nhất  là tập trung nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở mọi lĩnh vực, nhằm nâng cao năng lực quốc tế hóa của các cơ quan công quyền và của mỗi cán bộ công chức.

Nhiệm vụ trước mắt cũng như trọng tâm là phải nâng cao năng lực quốc tế hóa trong công tác quản lý thuế, bởi vì cái khó nhất của công tác quản lý thuế hiện nay là chống chuyển giá. Chuyển giá là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lĩnh vực thuế, việc xác định các bên liên kết và giá thị trường là hai vấn đề cơ bản khi xem xét chuyển giá, nhưng trên thực tế, việc áp dụng các phương pháp này là không hề đơn giản.

Chuyển giá thường được thực hiện ở các mánh khóe như: hạch toán chi phí trước nhưng chưa chi, trích lập dự phòng không đúng quy định, chi phí không hóa đơn chứng từ vượt định mức, hạch toán chi phí không phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh, chi phí tiền lương, xuất hóa đơn ngoài biên giới, khấu hao tài sản không đúng quy định…

Câu chuyện chuyển giá không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp FDI mà còn xuất hiện khá phổ biến ở các doanh nghiệp trong nước. Để kiểm soát được vấn đề này, đi đôi với việc hoàn thiện các chính sách, đòi hỏi đội ngũ cán bộ thuế phải tinh thông nghiệp vụ, thực hiện chế độ kế toán tương thích với cơ chế hoạt động tài chính quốc tế, có như vậy mới kiểm soát được tình hình, tăng các khoản thu về cho ngân sách. 

Bài, ảnh: Thái Uyên
Top