Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp, công tác hộ tịch từ huyện xuống cơ sở ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những thành tựu quan trọng. Huyện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cần thiết phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đồng thời bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Toàn huyện có 23 cán bộ tư pháp hộ tịch với gần 40% cán bộ có trình độ Đại học Luật. Từ năm 1998 đến nay, số cán bộ tư pháp hộ tịch chuyên trách cấp xã được thực hiện công việc đúng chức năng, nhiệm vụ tư pháp, không phải kiêm nhiệm công tác khác. Đội ngũ cán bộ tư pháp xã, thị trấn thường xuyên được tập huấn chuyên sâu về công tác chứng thực, hộ tịch dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.
Công tác tiếp nhận và thực hiện lưu trữ sổ sách, dữ liệu hộ tịch được thực hiện tốt. Phòng Tư pháp huyện và UBND cấp xã lưu trữ đầy đủ sổ hộ tịch từ năm 1999 đến nay. Một số xã vẫn còn lưu giữ được đủ sổ từ năm 1987 như Phú Lâm, Phật Tích, Hiên Vân, Minh Đạo, thị trấn Lim đã giúp cho việc quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch được chính xác. Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện kịp thời cung cấp các loại sổ sách, biểu mẫu, giấy tờ hộ tịch và các loại dấu phục vụ công tác chứng thực, chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính trong đăng ký hộ tịch.
Từ huyện xuống xã, tất cả các công việc liên quan đến đăng ký hộ tịch đều được thực hiện thông qua Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, đúng trình tự, thời gian quy định. Thông qua đó, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch được giải quyết nhanh gọn, không gây phiền hà cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, khẳng định vai trò trong quản lý nhà nước và bảo đảm quyền nhân thân của công dân…
Tuy nhiên trong thực tiễn, hoạt động của công tác này vẫn còn bộc lộ tồn tại, vướng mắc. Nguyên nhân khách quan là do thể chế quy định pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch chưa đầy đủ, thống nhất và đồng bộ. Các quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hộ tịch quy định rải rác, phân tán ở nhiều văn bản khác nhau. Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn mới chỉ được quy định trong các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nên chưa có tính pháp lý. Do vậy, việc sớm ban hành Luật Hộ tịch với các chế định đầy đủ là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, về ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, các xã đều chưa được sử dụng phần mềm về đăng ký, quản lý hộ tịch, một số xã chưa được trang bị máy tính nên phải thực hiện theo phương pháp thủ công viết tay khiến mất nhiều thời gian khi thực hiện viết thông tin, tra cứu dữ liệu… Đây là những điểm hạn chế lớn nhất cần được nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới.
Nhờ làm tốt công tác quản lý và đăng ký hộ tịch đã phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương như phát triển kinh tế- xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế - xã hội của huyện đã được kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, các chính sách an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định. Tiên Du phấn đấu đến hết năm 2012 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12-12,5%, trở thành một trong số ít các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong toàn tỉnh.