Là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực nhằm từng bước giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong thời gian tới.
Để phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục được thực hiện ở cả ba tuyến thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt, cấp phát tờ rơi và biểu đồ tăng trưởng của trẻ cho các hộ gia đình có con dưới 5 tuổi, khám sức khoẻ, cân đo định kỳ kết hợp với thực hành dinh dưỡng, thảo luận nhóm, tư vấn dinh dưỡng. Mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng từ tỉnh xuống cơ sở được củng cố, kiện toàn và tập huấn thường xuyên, trong đó chú trọng kỹ năng tư vấn, thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống suy dinh dưỡng.
Mạng lưới y tế cơ sở đã phát huy vai trò của mình trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý; kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ; các phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng của trẻ; cũng như cách chăm sóc, nuôi dưỡng, cách nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ cho phụ nữ có thai, các bà mẹ có con dưới 5 tuổi và bà mẹ có con suy dinh dưỡng.
Khi triển khai các hoạt động này, nhiều phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi, từ 2 đến 5 tuổi được tham gia các buổi thực hành trình diễn chế biến thức ăn cho trẻ, từ đó làm cơ sở cải thiện bữa ăn trong từng hộ gia đình.
Cũng với mục tiêu nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng hợp lý cho cộng đồng, cho bà mẹ và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đang tiến hành thực hiện dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em” giai đoạn 2012-2015 với nhiều hoạt động cụ thể như: Triển khai các can thiệp sớm phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; Triển khai các can thiệp đặc hiệu cho từng địa phương, cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng nặng; Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em dưới 2 tuổi, các xã có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao; Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng tại cộng đồng; Đẩy mạnh phối hợp liên ngành, xây dựng môi trường chính sách phục vụ cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.