khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 10/08/2012 - 15:17

Phục hưng thiền phái Trúc Lâm

Thiền phái Trúc Lâm là phái quan niệm đạo luôn gắn với đời sống, phục vụ xã hội một cách tích cực nhất. Thiền phái Trúc Lâm có nguồn gốc từ các đời trước với các đại sư tiêu biểu như Pháp Thuận, Vạn Hạnh…

 

Thời Trần thiền phái Trúc Lâm càng được phát triển mạnh. Vua Trần Thái Tông đã từng bỏ kinh thành lên Yên Tử tu hành. Đến đời Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3 đã nhường ngôi sớm để lên Yên Tử tu hành, trở thành Trúc Lâm nhất tổ.

Việc vua Trần Nhân Tông lên núi tu hành không phải là rũ bỏ bụi trần mà là một cách an dân bằng cách khác, như đánh giá sau này của Trúc Lâm thiền viện: “Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo là Ngài xuất gia, ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm. Cái ý ấy là không tiện nói ra, sợ người ta dao động, cho nên nhắm được ngọn núi Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô Lượng Lực Đại Thế Chí Bồ Tát”.

Thời Lê, thiền phái Trúc Lâm vẫn còn ảnh hưởng mạnh mà người đại diện tiêu biểu là Nguyễn Trãi. Thời trẻ ông được chọn làm trụ trì chùa Vân Yên nhưng ông vẫn đi thi, làm quan. Sau khi bình định giặc Minh, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn làm chức đề cử chùa. Khi sư thầy Đạo Khiêm đến khuyên ông bỏ việc trần nhận chủ trì chùa Vân Yên ông đã kiên quyết tạ ơn thầy nhưng vẫn một lòng về kinh giúp vua Lê Thái Tông sửa nền văn trị.

Thời Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm đã cùng một số danh sĩ am hiểu Phật pháp và cùng chí hướng đã lập ra thiền viện Trúc Lâm ở Bích Câu đạo quán nhằm phục hưng thiền phái này ở một tầm mới. Những lời đàm luận được ghi chép thành sách “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”. Đáng tiếc thiền viện Trúc Lâm ở Bích Câu đạo quán này hoạt động không được bao lâu, vì mấy năm sau nhà Nguyễn lập nước, Ngô Thì Nhậm bị Đặng Trần Thường đánh đòn đến chết vào năm 1803 ở ngay tại Văn Miếu.

Những người đứng đầu thiền viện Trúc Lâm ở Bích Câu đạo quán là Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đăng Sở và Vũ Trinh. Ba người đều là danh sĩ nhưng chí hướng giúp nước khác nhau. Ngô Thì Nhậm giúp nhà Tây Sơn. Vũ Trinh giúp nhà Lê. Nguyễn Đăng Sở ở ẩn.

Ngô Thì Nhậm tự là Hi Doãn, hiệu là Đạt Hiên, đạo hiệu là Hải Lượng sinh ngày 11/9/Bính Dần (1746), quê làng Tả Thanh Oai (làng Tó) huyện Thanh Trì. Khoa thi Ất Mùi (1775) ông đỗ đồng tiến sĩ xuất thân, được cử giữ chức Hộ khoa cấp sự trung. Năm 1780 Ngô Thì Nhậm phát giác vụ Trịnh Tông mưu phế lập đòi quyền thế tử nên được thăng Thị lang bộ Công. Năm 1782 chúa Trịnh Sâm qua đời, kiêu binh nổi loạn đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa, Ngô Thì Nhậm bỏ quan lánh nạn. Ông có nhiều thời gian suy ngẫm Phật pháp và đã có ý quy thiền. Do biến động này mà Ngô Thì Nhậm đã đến với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, được phong chức Tả thị lang bộ Lại, tước Tình Phái hầu và là một công thần bày mưu lập tuyến phòng thủ Tam Điệp chống quân Thanh, sau đó giúp việc bang giao thắng lợi với nhà Thanh. Khoảng năm 1796 ông được phong thượng thư bộ Binh nhưng thực ra là chức nhàn quan nên đứng ra lập thiền viện Trúc Lâm với pháp hiệu Hải Lượng đạo trưởng.

Nguyễn Đăng Sở hiệu Kiên Trai, pháp hiệu Hải Hoà, sinh ngày 16/9/Giáp Tuất (1754), quê Hương Triện - Gia Bình, gia đình có truyền thống khoa bảng. Tháng 10 năm Đinh Mùi (1787) ông dự kì thi hội, đỗ hoàng giáp, đứng tên thứ 2 trong số 14 người đỗ (cùng khoa với Bùi Dương Lịch, Trần Danh Án, Nguyễn Thế Lịch…). Khi Ngô Thì Nhậm lập “Bích Câu thiền viện” khôi phục Phật phái Trúc Lâm thì ông tham gia với pháp hiệu Hải Hoà. Những lời đàm đạo của ông ghi trong sách “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” chứng tỏ ông là người am hiểu Phật pháp sâu sắc, đồng thời là nhà tư tưởng của phái Trúc Lâm.

Ông nhận chức quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám thời Minh Mạng nhưng lại cáo quan về nhà dạy học. Ông mất ngày 15-5-1840, thọ 87 tuổi.

Vũ Trinh tự Duy Chu, hiệu Lai Sơn và Nguyên Hanh, biệt hiệu Lan Trì Ngư Giả, sinh 1759, quê Xuân Lan - Lương Tài, gia đình có truyền thống khoa bảng. Vũ Trinh đỗ hương cống khi mới 17 tuổi, được cử làm tri phủ Quốc Oai, sau thăng chức tham đồng làm việc bên cạnh vua Lê Chiêu Thống. Giai đoạn 1787 - 1789 ông cùng bố dốc hết sản nghiệp phò vua chống Tây Sơn. Sau khi quân Thanh đại bại, Vũ Trinh không theo vua Lê sang Thanh mà ở ẩn ở vùng Hổ Sơn (Hà Nam). Tuy là người theo vua Lê Chiêu Thống chống Tây Sơn nhưng ông vẫn cùng danh thần nhà Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm chủ trương phục hưng thiền phái Trúc Lâm với pháp hiệu Hải Âu hoà thượng ở Bích Câu đạo quán. Năm 1802 ông ra làm quan nhà Nguyễn, từng đi sứ và khi về nước đã cùng tổng trấn Bắc Thành phụng mệnh vua Gia Long soạn bộ Hoàng triều luật lệ. Năm 1816 ông bị kết tội trong vụ án thơ do học trò Nguyễn Văn Thuyên gây ra, phải đi đày ở Quảng Nam. Năm 1828 ông được xá tội, về nhà được ít lâu thì mất.

Phạm Thuận Thành
Top