khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 16/08/2012 - 08:58

Tín hiệu vui cho làng giấy Phong Khê

Việc sản xuất, tái chế giấy ở Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và môi trường lưu vực sông Cầu. Để khắc phục, ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Gần đây nhất, Dự án xây dựng khu xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê bắt đầu thực hiện, đang là tín hiệu vui cho những nỗ lực của địa phương trong việc hạn chế ô nhiễm làng nghề đến môi trường xung quanh.

Đa phần các cơ sở sản xuất ở Phong Khê sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Làng nghề với 234 cơ sở sản xuất giấy (kraft, giấy viết, giấy vàng mã, vệ sinh…) có công suất bình quân gần 30 nghìn tấn sản phẩm/tháng. Đa phần các xưởng giấy có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, mỗi cơ sở chỉ sử dụng khoảng 250-300m2 đất; nguyên liệu chủ yếu là các loại giấy phế liệu được thu gom trong nước và một phần nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, thiết bị sản xuất đều lạc hậu, công nghệ trước năm 1980 nên hiệu quả không cao, tiêu tốn nhiều năng lượng và có tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Qua khảo sát, tổng lượng nước thải của làng nghề ra bên ngoài khoảng 5.000m3/ngày đêm đã ảnh hưởng đến môi trường nước mặt và nước ngầm với bán kính khoảng 500m hai bên lưu vực sông Ngũ Huyện Khê. Theo kết quả phân tích tại nơi sản xuất cho thấy: nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải vượt nhiều lần so với quy chuẩn cho phép. Khí thải phát sinh từ quá trình đốt cháy nguyên liệu không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường làm cho bầu không khí xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt vào những ngày mưa, độ ẩm cao, khí thải không phát tán được.

Ngoài ra, lượng chất thải rắn phát sinh trong sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương khoảng 60-65 tấn rác thải mỗi ngày, bao gồm cả chất thải nguy hại không được thu gom, đổ tùy tiện ra hệ thống đường làng, ven sông…

Nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phong Khê là do ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất giấy còn hạn chế; sự phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường của các cấp, ngành còn thiếu chặt chẽ, nhất là việc thẩm định, cấp phép các dự án đầu tư và kiểm tra sau đầu tư…

Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; vận động nhân dân, cơ sở sản xuất tích cực tham gia hoạt động xã hội hóa vì môi trường sống của cộng đồng.

Năm 2011 ngành chức năng tiến hành thanh tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đối với 157 cơ sở sản xuất giấy, trong đó xử phạt hành chính 138 doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Thiết thực hơn, ngành tăng cường đầu tư triển khai các chương trình, dự án bảo vệ môi trường: dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thôn Đào Xá với công suất 120m3/ngày đêm do tổ chức Quỹ hỗ trợ phát triển Cộng hòa Czech và CIDA (Canada) phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi (Bộ Nông Nghiệp) thực hiện; đề án “Xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề tỉnh Bắc Ninh”…

Các dự án, chương trình trên đã phần nào làm giảm thiểu, ngăn chặn sự ô nhiễm của làng nghề giấy đối với môi trường xung quanh. Tuy vậy, có ý nhĩa quan trọng nhất và cũng là tín hiệu đáng mừng cho việc xử lý ô nhiễm chính là việc HĐND, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án quy định hỗ trợ xử lý ô nhiễm làng nghề, trong đó đề xuất kinh phí do Nhà nước hỗ trợ 80%, doanh nghiệp đóng góp 20%. Đề án được cụ thể hóa thông qua việc triển khai dự án đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất tái chế giấy Phong Khê, công suất giai đoạn I là 5.000m3/ngày đêm do UBND thành phố Bắc Ninh  làm chủ đầu tư. Hiện nay, dự án đã triển khai xong phần giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư xây dựng…

Làng giấy Phong Khê có lịch sử hình thành lâu đời đang góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng nguồn cho ngân sách địa phương. Việc thực hiện đồng bộ, triệt để các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường của chính quyền các cấp cùng với sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân địa phương sẽ đem lại sức sống mới cho làng nghề nổi tiếng xưa nay.

Bài, ảnh: Hoàng An
Top