Kiểm soát ATVSTP vẫn là nỗi lo của người tiêu dùng.
Thực hiện kế hoạch hoạt động bảo đảm ATVSTP, hàng năm ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tuyên truyền tích cực trong tháng hành động vì chất lượng VSATTP, dịp tết trung thu, tết nguyên đán... với nhiều loại hình truyền thông. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của an toàn thực phẩm với sức khỏe con người, nâng cao nhận thức của nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Sự ra đời của Chi cục ATVSTP Bắc Ninh, trực thuộc Sở Y tế, đánh dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đơn vị ổn định tổ chức, bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2010. Tại Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đều có khoa An toàn vệ sinh thực phẩm độc lập và có bác sỹ phụ trách, tuyến xã có cán bộ kiêm nhiệm.
Công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP được thực hiện đúng theo quy định của Pháp luật, đã có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành trong hoạt động kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh quy định của Nhà nước về VSATTP, các trường hợp vị phạm được phát hiện và xử lý kịp thời. 100% cán bộ làm công tác quản lý và kiểm nghiệm VSATTP trong tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, 90% cán bộ VSATTP tuyến cơ sở được tham dự các lớp bồi dưỡng các kiến thức và kỹ năng thực hành, kiểm tra nhanh phát hiện ô nhiễm thực phẩm.
Tuy nhiên hiệu quả quản lý nhà nước về VSATTP còn hạn chế do phối hợp giữa các cá nhân, ngành thành viên còn lỏng lẻo, giải quyết vi phạm VSATTP trong quá trình thanh kiểm tra tại một số cơ sở chưa triệt để nên tác dụng răn đe thấp.
Song song, Chi cục định kỳ và đột xuất tiến hành các hoạt động kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các vùng nuôi, trồng tập trung, các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Việc kiểm tra định kỳ được Chi cục ATVSTP tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện, trung bình đạt từ 1,5 – 2 lượt cơ sở/năm. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được đẩy mạnh góp phần kiểm soát hiệu quả, điều chỉnh, uốn nắn hành vi, quy trình mất an toàn vệ sinh, ngăn chặn nguồn thực phẩm không đảm bảo đảm vệ sinh, mất an toàn lưu thông trên thị trường.
Kết quả kiểm tra cho thấy trung bình 70–80% cơ sở đạt yêu cầu VSATTP, các cơ sở sản xuất thực phẩm ở quy mô công nghiệp, cơ bản thực hiện tốt quy định của Nhà nước. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, nhà hàng, thức ăn đường phố chấp hành yêu cầu VSATTP còn yếu kém.
Về vấn đề xây dựng và phát triển hệ thống kiểm nghiệm VSATTP theo tiêu chuẩn thực hành labo tốt (GLP), những năm qua, labo xét nghiệm của TTYT Dự phòng Bắc Ninh đã từng bước đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, nhưng năng lực thực hiện kỹ thuật kiểm nghiệm thực phẩm còn hạn chế, nhiều chỉ tiêu thực phẩm cần thiết chưa kiểm nghiệm được. Tại TTYT các huyện, thị xã, thành phố, tuy có nhân lực nhưng thiếu trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện, điều kiện cơ sở vật chất nên các xét nghiệm mới chỉ làm được test nhanh VSATTP.
Dự thảo kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2015: 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% người quản lý (bao gồm lãnh đạo các Sở chuyên ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp; chủ doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm), 70% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP; Hoàn thiện hệ thống quản lý ATTP, tham gia vào hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP và tổ chức, thực hiện phân tích một số nguy cơ cao về ATTP của tỉnh; 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Có ít nhất 30% cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm như GMP (Thực hành sản xuất tốt), HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), ISO 9001, ISO 22000…, khuyến khích cơ sở quy mô nhỏ áp dụng hệ thống này; Giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2006 – 2010, tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 8 người/100.000 dân...