Diện tích chuyên trồng màu của gia đình ông Trần Văn Cửu xã Hòa Long đem lại hiệu quả kinh tế.
Chị Quyến cho biết: “Khi diện tích đất nông nghiệp thu hẹp thì chăn nuôi là nghề phù hợp. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vì vậy sẽ cần thêm nguồn vốn. Tuy nhiên, mức vay tối đa theo chương trình giải quyết việc làm chỉ có 20 triệu đồng là quá thấp. Đối với một trang trại lợn lớn, chỉ riêng việc xây dựng chuồng trại cũng đã tốn rất nhiều tiền, chưa kể tới hệ thống bioga rồi thức ăn, con giống... sẽ rất khó trong bối cảnh trượt giá. Nếu như nâng mức vay này cao hơn nữa thì người chăn nuôi mới có điều kiện mở rộng quy mô phát triển kinh tế hộ gia đình”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Túc, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Vân Dương cho biết: “Nhu cầu vay của hội viên là rất lớn nhưng nguồn vốn GQVL nhỏ. Toàn phường dư nợ hơn 10 tỷ đồng của NHCSXH, riêng Hội Phụ nữ quản lý hơn 7 tỷ, nhưng vốn cho vay GQVL chỉ được 260 triệu đồng cho 13 dự án, trung bình mỗi hộ được vay 20 triệu đồng. Đa phần các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ muốn vay để mở rộng quy mô thì lại thấy mức cho vay tối đa quá thấp. Nâng mức cho vay đang là nhu cầu không chỉ của riêng hội viên Hội Phụ nữ phường mà còn cả nhiều người dân”.
Gia đình ông Trần Văn Cửu, xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) đã thực hiện mô hình tổng hợp chăn nuôi lợn thương phẩm kết hợp trồng rau màu được vài năm nay. Thông qua Hội Nông dân, ông đã vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm để mở rộng quy mô. Hiện tại, mỗi năm ông nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa 5-7 con và hàng trăm ngan, gà. Tổng thu nhập trừ chi phí mỗi năm được hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra với hơn 2 sào trồng màu quanh năm, gối vụ mùa nào thức ấy cũng cho gia đình tăng thêm thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ông Cửu cho biết: “Nhờ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm của NHCSXH nên cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Tôi mong muốn Nhà nước nâng cao mức cho vay cũng như mở rộng nhiều đối tượng đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp, làng nghề lao đao như hiện nay, nguồn vốn GQVL của NHCSXH là động lực lớn để các hộ sản xuất vượt qua khó khăn. Một trong những mục tiêu hàng đầu của các xã, phường ven thành phố là công tác giải quyết việc làm; đẩy nhanh tiến độ XĐGN, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Vũ Đình Yên, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Thực tế nông dân ven đô trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang mục đích khác có sự xáo trộn nhất định, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo. Giúp nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, có cuộc sống ổn định là một thách thức lớn vì nhu cầu vay vốn, giải quyết việc làm ở các địa phương này thường cao và bức xúc hơn các huyện thuần nông. Tuy nhiên, NHCSXH chỉ là đơn vị thực thi việc giải ngân tới các địa phương nên tính chủ động chưa cao. Trong tháng 7 vừa qua, NHCSXH các xã, phường của NHCSXH thành phố đã giải ngân xong nguồn vốn bổ sung GQVL là 3 tỷ đồng. Thời điểm này, toàn thành phố có dư nợ hơn 15 tỷ đồng vốn GQVL, lũy kế số lao động được giải quyết việc làm là gần 2.000 lao động”.