Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh trao học bổng khuyến học năm 2012 cho những học sinh vượt khó học giỏi.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục, xin được minh chứng ấn tượng qua một số kỳ thi lớn năm 2012 như sau: Tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia đội tuyển tỉnh Bắc Ninh có 44/54 thí sinh dự thi đạt giải, chiếm 81,2% (mục tiêu 75% thí sinh dự thi đạt giải). Tại kỳ thi giải Toán trên máy tính Casio toàn quốc, đội tuyển Bắc Ninh có 26/26 thí sinh dự thi đạt giải gồm: 4 Nhất, 6 Nhì, 8 Ba, 8 Khuyến khích, xếp thứ 2 khu vực. Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, Bắc Ninh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố toàn quốc với tổng điểm bình quân 3 môn thi ĐH đạt 12,23 điểm; toàn tỉnh có 16 thủ khoa, 11 á khoa và 23 thí sinh có tổng 3 môn thi từ 27 điểm trở lên, trong đó xuất sắc nhất là thí sinh Nguyễn Minh Trí (Trường THPT Chuyên Bắc Ninh) thi đạt 28,5 điểm vào ĐH Y Hà Nội.
Trao học bổng khuyến học năm 2012 cho những học sinh nghèo vượt khó.
Có ý kiến cho rằng điểm thi năm 2012 của Bắc Ninh bị tụt hạng (năm 2011 xếp thứ 9/63; năm 2012 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố). Điều này không sai, nhưng xin được làm rõ bản chất vấn đề như sau. Đối với nhiều tỉnh, thành phố, do làm tốt công tác hướng nghiệp nên sau kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu những học sinh khá, giỏi mới thi ĐH, CĐ như vậy điểm bình quân đương nhiên rất tốt. Bắc Ninh lại khác, hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT đều dự thi ĐH, CĐ. Rõ ràng ý thức vươn lên bằng con đường học vấn (mà giảng đường ĐH là mục tiêu) đã thấm, đã ngấm vào máu thịt của học sinh Kinh Bắc. Năm 2012 toàn tỉnh có 13.000 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT nhưng có tới hơn 19.000 lượt (1 thí sinh có thể thi nhiều lượt) dự thi tuyển sinh ĐH với tổng điểm bình quân 12,23, xếp 11/63 tỉnh, thành phố.
NGƯT Lê Nho Nùng, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhận định: Hội khuyến học là hội đặc thù nhất trong các hội đặc thù. Nhận định ấy rất đúng. Các hội nghề nghiệp khác đều chung mục đích là bảo vệ quyền lợi cho hội viên, thì Hội Khuyến học chỉ nhằm phát hiện, ươm mầm, khuyến khích các tài năng trẻ và góp phần xây dựng xã hội học tập. Xuất phát từ đặc thù rất nhân văn đó, Hội Khuyến học các cấp đã thu hút được đông đảo số lượng hội viên tham gia và nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội.
Thật ít đâu như Bắc Ninh, số tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín từ tỉnh, huyện, xã, thôn, làng, khu phố thậm chí trong từng gia đình, dòng họ và hiện đang phát triển mạnh mẽ trong các loại hình cơ quan, doanh nghiệp. Thống kê của Hội khuyến học tỉnh, đến tháng 7-2012, số người tham gia tổ chức Hội khuyến học các cấp tới hơn 160.000 người, chiếm 16% dân số toàn tỉnh. Các địa phương có số hội viên khuyến học chiếm tỷ lệ cao là: Yên Phong 22% dân số, thành phố Bắc Ninh 21% dân số, Thuận Thành 17,5% dân số…
Toàn tỉnh cũng có tới 94.570 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học”, 2.675 dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ khuyến học”. Chính nhờ các tổ chức khuyến học này mà biết bao hoàn cảnh, bao tấm gương, bao học sinh vượt khó học giỏi đã được đồng cảm, sẻ chia, được giúp đỡ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần để không lỡ hẹn với giảng đường ĐH…
Ngày 28-8 vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh trao 233 suất học bổng. Đối tượng được nhận không đơn thuần là những học sinh xuất sắc, mà cơ bản là những học sinh vượt khó, vì có thể do điều kiện hoàn cảnh đặc biệt nên các em chưa hoặc không thể thực sự xuất sắc. Ngay tại buổi lễ, nhiều giọt nước mắt rơi khi NGƯT Lê Nho Nùng dẫn ra hoàng loạt những hoàn cảnh éo le, điển hình nhất là em Hoàng Thị Linh (Song Giang, Gia Bình). Nhà nghèo mà trong vòng 5 năm em phải chịu tới 4 cái tang (bố và bà chết vì ung thư, mẹ và em trai bị chết đuối), bản thân Linh cũng mang trong mình trọng bệnh, vậy mà ý chí, nghị lực vươn lên chưa bao giờ nguội tắt trong trái tim cô học trò nghèo.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2013, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Túy cho biết, tỉnh luôn quan tâm và sẵn sàng dành nhiều phần thưởng đặc biệt cho những học sinh xuất sắc. Còn đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì yêu cầu ngành GD-ĐT, Hội Khuyến học các cấp phải làm tốt hơn công tác xã hội hóa giáo dục, chăm lo khuyến học khuyến tài, không để bất cứ học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn!
Rõ ràng truyền thống hiếu học, khoa bảng đã như mạch nguồn chảy mãi, làm rạng danh cả vùng đất Bắc Ninh -Kinh Bắc. Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, truyền thống quý báu đó được phát huy tốt chính là nền tảng, là nhân tố quan trọng mang tính quyết định đến sự phát triển toàn diện và bền vững của quê hương…