Tiểu thương chợ Đọ “tiếp thị” hàng với người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Hiền ở Hạp Lĩnh (thành phố Bắc Ninh) kể: “Khi được nghe các chị bán hàng trong chợ giới thiệu một số sản phẩm như bột giặt, kem đánh răng, nước làm mềm vải… mang thương hiệu Việt vừa rẻ, vừa tốt, tôi cũng nghi ngờ. Nhưng rồi thấy các chị có vẻ chắc chắn nên tôi đã mua về sử dụng thử và đã thấy đúng như các chị “quảng cáo”...”.
Tiểu thương tại các chợ là người tiếp xúc với khách mua hàng nhiều nhất trong đội ngũ những người làm công tác bán hàng. Nếu đến siêu thị hay cửa hàng tự chọn mua sắm, khách hàng có thể tự do tìm kiếm, chọn lựa những sản phẩm phù hợp rồi ra quầy tính tiền, thì ở chợ điều đầu tiên khách hàng bắt gặp là nụ cười thân thiện của tiểu thương, sau đó là những lời “có cánh” về các sản phẩm được bày bán tại gian hàng. Chính vì thế, những sản phẩm tạo được uy tín với tiểu thương cũng dễ dàng được khách hàng chấp nhận.
Nhìn ở góc độ kinh tế thì tiểu thương là người đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hoá và xây dựng văn hoá tiêu dùng cho khách hàng. Ngoài ra, tiểu thương còn là những khách hàng đầu tiên thẩm định chất lượng sản phẩm, rồi “tiếp thị” đến NTD khác.
Chị Lê Thị Hương, chủ cửa hàng tổng hợp tại chợ Trung tâm thị thấn Phố Mới (Quế Võ) bộc bạch: “Từ khi biết đến CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tôi đã nhập về và bày bán nhiều mặt hàng Việt hơn đồng thời cũng tư vấn, giới thiệu cho khách hàng những sản phẩm Việt có uy tín, chất lượng và giá phải chăng thay thế sản phẩm ngoại nhập mà trước kia họ vẫn thường dùng. Tôi làm vậy không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì muốn ủng hộ CVĐ, ủng hộ doanh nghiệp trong nước có thêm điều kiện để phát triển”.
Nhiều tiểu thương khác ở các chợ cũng có chung ý kiến như chị Hương và khẳng định, hầu hết những sản phẩm họ giới thiệu đều là sản phẩm có chất lượng thực và đều được khách hàng tin dùng. Hưởng ứng CVĐ “Người Việt
Mặc dù vai trò của tiểu thương trong việc quảng bá hàng Việt là rất quan trọng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức được “giá trị” của họ. Vì sợ mang tiếng là hàng chợ nên trên thực tế, nhiều sản phẩm, kể cả các sản phẩm được sản xuất ngay trong tỉnh, vẫn chưa chú trọng phân phối cũng như quảng bá ở chợ. Vì vậy, người dân mua sắm tại chợ vẫn khó tiếp cận với hàng chất lượng. Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy ở Chi Lăng (Quế Võ) cho biết: “Tôi thường có thói quen mua hàng ở chợ và mua theo những lời tư vấn, giới thiệu của các tiểu thương. Gần đây, tôi thấy họ thường giới thiệu một số sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất dùng rất tốt mà giá cũng phải chăng. Tôi mong sẽ được họ giới thiệu cho nhiều sản phẩm trong nước như vậy hơn nữa”.
Có thể thấy rõ những hướng dẫn của tiểu thương tại các chợ rất có giá trị với NTD. Tiểu thương luôn sẵn sàng “tiếp thị” cho hàng Việt và tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng giúp doanh nghiệp... Vấn đề còn lại là doanh nghiệp có thấy và tận dụng được lợi thế của tiểu thương hay không mà thôi.