Từ sự tích cực của chính quyền và nhân dân, nhiều dự án nhà ở, đất dân cư dịch vụ được triển khai hiệu quả.
Ảnh: Dự án khu nhà ở khu phố Đồng Chuông, thị trấn Lim.
Chính quyền và người dân nơi có các dự án đầu tư xây dựng giao thông cũng kịp thời giải quyết những vướng mắc, cơ bản đáp ứng tốt việc bàn giao mặt bằng, phục vụ tiến độ thi công của các nhà thầu.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 3 dự án giao thông: cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38; đường 295 B; đường 276 đoạn từ Phà Hồ - Tân Chi. Mặc dù các dự án chạy qua nhiều địa phương, liên quan đến nhiều hộ dân nhưng với quyết tâm của chính quyền và nhân dân, phần diện tích đất nông nghiệp đã cơ bản bồi thường, GPMB xong. Riêng tuyến Quốc lộ 38 (qua Tân Chi, Lạc Vệ) với yêu cầu thực hiện dứt điểm từng thôn, xã nên theo kế hoạch trong tháng 9, ngành chức năng sẽ tiến hành chi trả đền bù tại 2 thôn Chi Trung và Chi Hồ (xã Tân Chi).
Tuy đạt nhiều kết quả trong công tác GPMB nhưng cũng còn khó khăn, tồn tại từ khá lâu như: đường vào trường Đại học quốc tế Bắc Hà (diện tích 0,7 ha của khoảng 40 hộ dân); trụ sở Bảo hiểm xã hội Tiên Du (diện tích 0,36 ha của 70 hộ dân Duệ Đông, thị trấn Lim); trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Kinh Bắc (diện tích 15,7 ha, liên quan đến khoảng 200 hộ dân). Các dự án trên đều có quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường nhưng chưa thể triển khai GPMB. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp cũng gặp những vướng mắc khi còn phần nhỏ diện tích không thể GPMB.
Anh Nguyễn Văn Lương, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Nguyên nhân chính do người dân đòi hỏi giá cao, trong khi đó phía chủ đầu tư gặp khó khăn của suy thoái kinh tế nên cũng không thực sự quyết tâm cùng chính quyền các cấp và nhân dân đối thoại, tháo gỡ vướng mắc. Phần lớn các chủ đầu tư khi bắt đầu triển khai chi trả tiền bồi thường, GPMB gặp khó khăn đều bỏ giữa chừng. Ngay cả với những dự án lớn như đường sắt Lim - Phả Lại (6,55 ha, liên quan khoảng 150 hộ dân thị trấn Lim) đã có quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường nhưng chủ đầu tư - Cục Đường sắt Việt
Đối với những tồn tại về mặt bằng của các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp do cơ chế tự thỏa thuận nên chính quyền chỉ can thiệp ở mức độ tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận.
Cũng theo anh Lương, việc kéo dài những khó khăn về GPMB còn liên quan đến vấn đề tái định cư. Trước khi tiến hành GPMB cần phải có những quỹ đất cụ thể dành cho việc tái định cư tại các dự án nhưng việc này chưa thực hiện hiệu quả. Khắc phục tình trạng này, địa phương cũng đã hoàn thành GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư rộng 4 ha tại khu vực đường 287 và nút giao cầu vượt Đồng Xép.
Trước những phức tạp về GPMB diện tích đất ở (xác định nguồn gốc, diện tích tái định cư) tại các dự án giao thông, huyện đã chủ động phối hợp cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để tư vấn lập hồ sơ thu hồi đất. Qua đó, xác định chính xác các hộ dân thuộc diện tái định cư. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thông báo công khai sơ đồ khu vực thu hồi đất và tuyên truyền, vận động nhân dân không xây dựng mới, có kế hoạch sản xuất, thu hoạch mùa vụ phù hợp để giao đất khi đền bù, GPMB…
Như vậy có thể thấy, ngoài sự tích cực, đồng thuận của chính quyền và nhân dân, công tác GPMB cũng còn phụ thuộc vào nỗ lực, quyết tâm của các chủ đầu tư. Khi đầy đủ cả những yêu tố trên, chắc chắn tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là công tác đền bù, GPMB sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.