khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 14/09/2012 - 08:19

Chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động

Sau hơn 20 năm phát động, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Bắc Ninh đã lan tỏa khắp các thôn làng, khu phố theo cả bề rộng lẫn chiều sâu, mang đến một diện mạo mới cho quê hương Quan họ.

 
Trong điều kiện và tình hình mới, Nghị quyết số 20 và 22 của HĐND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh đi vào cuộc sống, ghi nhận lớn nhất là chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động nhờ sự đồng thuận cao. Kết quả bước đầu đáng khích lệ này đã thêm một lần nữa khẳng định thực hiện nếp sống văn minh là vấn đề cốt lõi để xây dựng và phát triển xã hội bền vững.

Theo thống kê, từ 1-8-2011 đến hết tháng 4 - 2012, toàn tỉnh có hơn 5.700 đám cưới. Phần lớn tổ chức tiệc cưới gọn nhẹ với thành phần là họ hàng, bạn bè thân thích và không bày thuốc lá để tiếp khách; nhiều gia đình đã bỏ tục lại mặt, nhất là trong khối cán bộ, công chức. Đại bộ phận người dân không lợi dụng đám cưới để thu lợi, đồng thời các nghi thức truyền thống trước bàn thờ tổ tiên vẫn tiếp tục được duy trì.

Cũng trong thời gian đó, toàn tỉnh có trên 2.300 đám tang, phần lớn không để người quá cố trong nhà quá 36 giờ, không làm cỗ mời khách trong ngày tang lễ, các hủ tục mê tín cơ bản được xóa bỏ; hầu hết các đám tang của các đồng chí lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện, Thị, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh quản lý thực hiện tốt việc sử dụng vòng hoa luân chuyển. Từ sự gương mẫu chấp hành của cán bộ, lãnh đạo, người dân đã tự nguyện thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.

Nghị quyết số 20 về hỗ trợ hỏa táng, điện táng người chết trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích các gia đình lựa chọn hình thức này do nhận thức rõ lợi ích cũng như tính văn minh của điện táng, hỏa táng. Từ ngày 1-1-2012 đến hết quý II, có 297 đám tang/tổng số 2.317 đám lựa chọn hình thức hỏa táng, điện táng người chết, chiếm 12,8%. So sánh với năm 2009, chỉ có 101 trường hợp, năm 2010 là 135 trường hợp/bình quân khoảng trên dưới 5.000 đám tang trong toàn tỉnh mỗi năm thì đây thực sự là một bước chuyển.

Các huyện, thị, thành phố có tỷ lệ đám hỏa táng, điện táng người chết thay vì mai táng theo tục lệ vượt trội so với mức bình quân chung toàn tỉnh là Thuận Thành đạt 15,2%, thành phố Bắc Ninh đạt 25,1%, thị xã Từ Sơn đạt 31,8%. Như vậy, tuy mới là kết quả bước đầu, Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, tạo tác động tích cực trong tiến trình xây dựng nếp sống văn hóa mới tại cộng đồng.

Tuy nhiên, nếp nghĩ truyền thống của người Việt, việc cưới, việc tang vốn được coi là những việc lớn của đời người nên thay đổi nhận thức và hành vi trong thực hiện nếp sống văn minh đòi hỏi một lộ trình. Cũng bởi vậy, dù đã có chuyển biến tích cực, trong quá trình thực hiện nếp sống văn minh thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định: Một số đám cưới tổ chức kéo dài trên 1,5 ngày và mời đông thực khách, hiện tượng cán bộ, công chức đi dự tiệc cưới trong giờ hành chính tuy giảm đáng kể nhưng vẫn còn.

Đối với việc tang, việc quy hoạch nghĩa trang tại một số địa phương thiếu đồng bộ; kích thước ngôi mộ cải táng không đúng với quy định của tỉnh, có hiện tượng chiếm đất canh tác làm mộ phần của cá nhân, dòng tộc gây lãng phí đất đai; một số gia đình làm cỗ mời khách đông khi tổ chức giỗ đầu hoặc cải táng người quá cố; ngay cả khi nhận thức của nhân dân về ý nghĩa tích cực của việc hỏa táng, điện táng đã có sự chuyển biến lớn thì nhiều gia đình, dòng họ chưa mạnh dạn hỏa táng, điện táng người chết do chịu sự tác động lớn của tập tục lâu đời trong cộng đồng. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, vận động để từ sự đồng thuận và nhận thức đã thay đổi đó, người dân mạnh dạn thực hiện, tích cực xây dựng nếp sống văn minh.

Bài, ảnh: P.V
Top