khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 18/09/2012 - 15:20

Nền tảng gia đình và sự hình thành nhân cách trẻ thơ

Xây dựng gia đình văn hóa là cuộc vận động xã hội mang tính toàn diện và sâu sắc, đã và đang bén rễ xanh cây trong đời sống nhân dân. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân tốt”.

 

Lời dạy của Người từ lâu đã trở thành phương châm sống của gia đình cụ Nguyễn Trọng Ích 92 tuổi với hơn 60 tuổi Đảng thôn Châm Khê, xã Phong Khê (thành phố Bắc Ninh). Cụ Ích cho rằng, truyền thống gia đình Việt Nam là cha mẹ phải hết lòng, quên mình, hy sinh cho con, nuôi dạy con trưởng thành; con cháu yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, nhất là khi cha mẹ ốm đau, già yếu, tàn tật. Nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình. Vợ chồng thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Ông Phạm Đình Chấn- thôn Kim Đôi xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh tâm sự: Gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống nên chúng tôi xem tiêu chí “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” là nền tảng của văn hóa ứng xử, là mục tiêu rèn luyện kỹ năng sống, hình thành và phát triển nhân cách cho con trẻ. Chúng tôi luôn gương mẫu trong sinh hoạt, sống tiết kiệm, ngăn nắp, làm việc nghiêm túc, giữ gìn truyền thống gia đình và luôn chọn cách ứng xử có văn hóa để giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày, như nói đủ câu, xưng hô thích hợp với từng người cụ thể, biết nói lời xin lỗi khi phạm lỗi và cảm ơn khi được giúp đỡ. Dạy trẻ nên người, trở thành người tốt, thích ứng với xã hội hiện đại mà vẫn giữ được truyền thống của người Việt Nam không hề đơn giản. Cốt lõi vấn đề là người lớn phải làm gương, không thể dạy con cháu điều hay lẽ phải mà bản thân mình lại “nói một đằng, làm một nẻo”. Trong cuộc sống hiện đại, người lớn cũng cần học hỏi để tiếp thu những cái mới, tránh lạc hậu để có cách giáo dục con cháu phù hợp hơn. Môi trường gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Và cũng chính từ nền tảng gia đình ấy, cả bốn người con của ông bà đều học hành trưởng thành trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng tộc.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh- khu phố Nguyễn Trãi, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh sự phát triển kinh tế xã hội trong thời điểm hiện nay đã có những tác động nhất định đối với mỗi gia đình. Nếu trước đây người ta quan niệm về một gia đình tốt là hòa thuận, hạnh phúc thì nay gia đình đó phải hội đủ các yếu tố no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Đây không chỉ thể hiện tính bền vững của gia đình mà còn mối tương quan phù hợp với sự phát triển của xã hội. Để hạnh phúc gia đình được bền vững, mỗi thành viên cần hướng tới sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Việc chăm lo, vun đắp cho những giá trị truyền thống tốt đẹp là yếu tố quyết định.

Thực tế trong điều kiện xã hội hiện đại ngày nay, những chuẩn mực gia đình đang dần thích ứng và thay đổi theo. Do vậy việc đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa, phường xã văn hóa sẽ có tác động tích cực và tạo nền tảng vững chắc trong việc hình thành nhân cách toàn diện của trẻ em hôm nay và mai sau.

Duy cảnh
Top