Chuyện kể rằng
Năm ấy là năm Tỵ sang Ngọ. Giời đại hạn chẳng có một hạt nước mưa, nước trên ruộng dưới ao, hồ đã cạn kiệt. Cá, cua ếch, nhái… chết. Trạch, lươn chui rúc dưới đáy hồ, ao cũng chẳng mấy con thoát chầu “Diêm Vương”. Lúa ngô cháy xém. Lá tre, lá duối cũng teo tóp, rũ xuống. Nhà nhà dốc bồ thóc, vét voi chẳng còn là bao. Vợ chồng ngắm nhìn nhau, nét mặt rầu rầu như hoa thiếu nước. Cụ nào cụ ấy khuôn mặt đều già trước tuổi.
Người già đến trẻ từ trong làng đều phải lao ra đồng khô đất trắng đội lửa, tay rộp phồng đào ếch cua trong hang. Con chết có thể còn ăn được thì ăn. Nhiều người đã bị kẽ nẻ ruộng vặn trật khớp, vì chẳng may lọt nghiêng bàn chân xuống. Đau đớn chẳng dám kêu ca, cứ thế lặng lẽ nhảy lò cò, vín vai dìu nhau về làng, nằm ngồi người nọ co kéo nặn bóp cho người kia, thì thào an ủi…
Ấy là câu chuyện đau lòng mà người bà kể cho cháu nội, cháu ngoại nghe, khi dòng kênh nam chưa kịp chào đời.
… Một hôm, vừa mơ sáng, trẻ con còn lăn lóc ngủ, đã nghe rộn ràng tiếng trống. Cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ dẫn đầu, đoàn người đổ dồn về trước làng tôi cùng cuốc, xẻng, quang gánh… Rồi đoàn người đông như kiến, tiến ra cánh đồng mà những vết nứt nẻ còn đấy, dấu tích như vết dao chém vào lòng người. “Con rồng người” say sưa cuốc, đào khúc của rồng không uốn mà duỗi thẳng từ Tây sang Đông nhằm hướng mặt trời mọc. Cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong nắng sớm.
Tuần tiếp tuần… Tháng tiếp tháng… Rồi “Con rồng người” ấy đã hóa thân thành “Con rồng nước”. Nước mát ào ạt đổ về. Cá, tôm lại thung thăng bơi lội, chẳng còn nơm nớp lo sợ đại hạn xảy ra. Mùa màng bội thu. Tiếng cười tiếng nói lại rổn rang sớm tối ấm áp xóm làng.
Người người mừng vui hân hoan trống cờ, mở hội suốt dọc hai bên bờ, đón mừng dòng nước chở nặng phù sa sông Hồng về làm giàu cho ruộng đồng lúa, ngô, khoai, đậu… ngút ngát hai bên bờ.
Tuổi trẻ bọn tôi đã gửi trọn tuổi thơ của mình vào Dòng kênh nam. Buổi trưa tan học về, hay chiều chăn trâu thường “ùm ùm…” nhảy xuống dòng nước mát lặn ngụp đùa vui, thi nhau tập làm “Yết Kiêu” mò cá dưới đáy nước rồi đục thủng thuyền giặc Minh, lúc đóng vai vận động viên bơi lội, vùng vẫy té nhau sếnh sáng mặt nước.
Chợt mấy chiếc thuyền mảnh như cái lá bơi tới. “Cạch cạch cành… Cạch cạch cành…”. Tiếng gõ đều đều vào mạn thuyền, âm thanh rộn rã reo vui, xua những đàn cá vương lưới. Thoăn thoắt mái chèo, bỏ lại những âm thanh rộn vui, để rồi những con thuyền, “lá tre” trôi hút về phía chân trời Phố Mới.
Làn sương trắng nhẹ như sữa, gió hất bồng bềnh trên ngọn phi lao, rồi loãng tan. Một tốp thanh niên, trung niên hàng một bước, với cây sào nhỏ trên vai, phía trước vắt tấm chài, sau treo cái giỏ tre, bóng đổ in hình lung linh xuống mặt nước dòng kênh, chẳng khác gì những “họa tiết” thiên nhiên sinh động. Chợt những “họa tiết” ấy dừng lại. Tấm chài đã mắc trên cánh tay “hai... ba…” chài tung, cùng tỏa xòa chụp xuống mặt nước. Họ từ từ kéo lên những con cá tươi rói dính mắt chài, lấp lánh ánh bạc ánh vàng. Những gương mặt sạm nắng sương ruộng đồng, cuộc sống mưu sinh rạng ngời nét vui.
Bọn tôi ngắm nhìn những chú cá bò, cá nheo… vàng ươm, trắng bạc dưới ánh nắng mặt trời mà vui lây cái vui ấy.
Có những con cá người ta tung trả lại dòng kênh. Có lẽ họ làm cái việc bảo tồn, sợ chúng bị diệt chủng. Những con người cần mẫn ấy của Vân Tương, Liên Bão mà bọn tôi thường gặp với tấm chài cùng giỏ cá đầy trên bờ kênh. Mà dòng kênh ngày đêm nước vẫn rì rào mải miết chảy, nuôi đàn cá lớn lên cùng cây lúa, củ khoai.
Mùa lại mùa.
Đồng ruộng quê tôi đến kỳ đổ ải, dòng nước hiền hoà lại ào ạt chảy về, không quên mang theo phù sa màu mỡ sông Hồng về làm giàu cho ruộng đồng. Khi mưa lũ ngập úng, dòng kênh tiêu úng cứu lúa… Cứu cái thất thu cho bà con. Người nghèo không còn nghèo, người giàu giàu thêm.
Hai bên bờ Dòng kênh nam từ thượng nguồn xuôi hạ lưu. Ai đã một lần tới thăm những trang trại dù chưa là lớn, đang bình yên nằm gối đầu lên bờ kênh cùng nhịp thở quê hương, nuôi lớn những rặng cây, những con bò, lợn, gà… và những đàn vịt siêu trọng, siêu trứng bơi trắng mặt hồ.
Lại nhớ. Những năm chưa có hợp tác xã nông nghiệp, chưa có dòng kênh nam đồng ruộng quanh năm hai vụ lúa bấp bênh “chiêm khê mùa thối”. Nắm mạ cắm xuống nếu sống được thì chỉ như cây cỏ may, chuột chạy giữa ruộng đứng bờ vẫn nhìn thấy. Nên bà con đã có câu: “lúa chuột chạy”. Từ khi có hợp tác xã nông nghiệp có dòng kênh quê hương chẳng còn lo thiên tai hạn, úng. Đã xoá lâu rồi cái “điệp khúc” “chiêm khê mùa thối”. Một năm cấy, trồng hai, ba vụ. Đưa năng suất lúa trên 5 tấn một hécta. Nhờ vậy, mà bọn trẻ lớp lớp được học lên, đỗ đạt, người vác tấm bằng đi ra ngoài. Người ở lại mái ấm gia đình chí thú dựng xây nông thôn mới giàu đẹp hơn trong công cuộc đổi mới.