Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tham luận về việc sửa đổi, bổ sung 35 điều của Luật Quản lý thuế về các vấn đề: Thời hạn nộp thuế; thời gian kê khai; xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; gia hạn nộp thuế; xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; vấn đề nợ thuế, chuyển giá…
Hiện nay, nhiều qui định của Luật Quản lý thuế không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thu thuế. Việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Quản lý thuế sẽ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Thuế đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thu nộp ngân sách Nhà nước.
Đối với Dự thảo Luật DTQG gồm 33 điều với mục tiêu chính là chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phục vụ quốc phòng an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất với nội dung dự thảo Luật DTQG. Đồng thời có các ý kiến đóng góp cụ thể đối với từng điều khoản DTQG cho phù hợp với tình hình thực tế như: dự thảo nên bổ sung thêm phần mục tiêu của DTQG; chính sách của Nhà nước về DTQG; trách nhiệm cụ thể của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trách nhiệm của Bộ Kế hoạch- Đầu tư; các hành vi bị cấm; điều kiện chỉ định thầu…
Dự án Luật Quản lý thuế và dự thảo Luật DTQG sau khi được lấy ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, báo cáo để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.