khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 27/09/2012 - 09:06

Phát triển công nghiệp địa phương của Quế Võ - ngổn ngang trăm mối

Quế Võ đề ra mục tiêu đến năm 2015, hỗ trợ phát triển từ 1-3 làng nghề, xây dựng ít nhất 1 thương hiệu sản phẩm đặc thù, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tăng trưởng bình quân 11,9%/năm; năm 2015 giá trị sản xuất đạt 446,6 tỷ đồng, tạo thêm việc làm mới cho khoảng 8.000 lao động...

Sản phẩm gốm Phù Lãng.

 
 
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng do không có đầu ra, thiếu vốn đầu tư do lãi suất ngân hàng cao, nên ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, các cụm công nghiệp, các dự án hoạt động tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề chưa thực sự phát huy hiệu quả, vẫn còn ngổn ngang trăm mối.

Toàn huyện hiện có hơn 2.140 cơ sở sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, thực phẩm đồ uống, khai thác khoáng sản, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng… và các làng nghề truyền thống sản xuất gốm Phù Lãng, nghề mây tre đan, bị cói Chi Lăng... Ngoài ra còn có 3 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết gồm: Nhân Hoà - Phương Liễu, Châu Phong - Đức Long, Cách Bi - Đào Viên - Phù Lương, với tổng diện tích quy hoạch là 303,95 ha. Các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện thu hút 6 cơ sở sản xuất kinh doanh thuê đất.

Khu quy hoạch vùng sản xuất gạch Tuynel được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, các chủ đầu tư đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và thủ tục thu hồi đất gồm: 12 doanh nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 68,7 ha, có 8 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, các doanh nghiệp còn lại theo lộ trình của tỉnh được chuyển sang sản xuất gạch không nung.

Phát triển công nghiệp địa phương của Quế Võ bước đầu đem lại một số kết quả đáng kể, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất công nghiệp. Điển hình là Công ty Chân Thiện Mỹ sản xuất hàng nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Công ty Him Lam sản xuất sản phẩm gỗ ép xuất khẩu cao cấp; các công ty sản xuất gạch tuylen như: Nhân lực Nam Sơn, Tân Giếng Đáy, Toàn Duyên, Hạ Long… mỗi năm sản xuất hơn 100 triệu viên gạch phục vụ nhu cầu thị trường.

Thực tế cũng cho thấy các cụm công nghiệp, các dự án hoạt động TTCN, các làng nghề trên địa bàn huyện đã đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm đất đai, bước đầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành các khu đô thị, khu dân cư-dịch vụ gắn với phát triển công nghiệp, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong thực tiễn phát triển công nghiệp địa phương của Quế Võ còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Tổ chức thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp còn chậm, các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào chưa hiện đại, thiếu đồng bộ. Một số cụm công nghiệp đã thực hiện cho thuê đất theo phương thức cấp rời, nên khi triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau này đã gặp khó khăn như Công ty Chân Thiện Mỹ (cụm công nghiệp Châu Phong - Đức Long); Nhà máy sơn Sunny, Trường trung cấp nghề Âu Lạc (cụm Công nghiệp Phương Liễu - Nhân Hoà) và các dự án nhà máy gạch tuynel...

Đối với các làng nghề, các cơ sở sản xuất chế biến nông lâm sản, thực phẩm đồ uống, sản phẩm khó tiêu thụ. Các sản phẩm còn nghèo nàn về hình thức mẫu mã, không đa dạng phong phú, chưa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Công nghệ sản xuất vẫn lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát hoạt động theo tính thời vụ không bền vững, sản phẩm không có thương hiệu nên khó cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Cơ bản các hộ gia đình trong làng nghề sản xuất tại gia đình, đất chật ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, gây ô nhiễm môi trường…

Ngoài ra, các làng nghề, các doanh nghiệp TTCN, cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống gặp khó khăn về vốn, chủ yếu là tự huy động để đầu tư phát triển sản xuất, do không đủ điều kiện để vay ngân hàng, hay tiếp cận các tổ chức tài chính, tín dụng. Việc tiếp cận mặt bằng sản xuất, tại cụm công nghiệp cũng khó bởi các cơ sở sản xuất nếu có vào đầu tư cũng không hợp vì nhu cầu diện tích nhỏ, trong khi giá thuê không phải là rẻ. Nguồn nhân lực đào tạo chỉ mang tính thời vụ, trước mắt. Trình độ quản lý thấp, ít kinh nghiệm, và rất khó khăn cho việc tuyển lao động phổ thông vì đang có tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Hơn nữa, lao động phổ thông thường xuyên chuyển đổi từ cơ sở này sang cơ sở khác, ít gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Trình độ khoa học - công nghệ và năng lực đổi mới công nghệ trong các các làng nghề, các doanh nghiệp TTCN, cơ sở sản xuất còn hạn chế… đang là những trở lực lớn đến quá trình phát triển công nghiệp địa phương của huyện.

Bài, ảnh: Thùy Dương
Top