khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 28/09/2012 - 08:16

Để di sản văn hóa Quan họ sống khỏe và sống đúng

Lâu nay, đi liền với Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh thường có một cụm từ “trường tồn và lan tỏa”. Sức lan tỏa của Quan họ có lẽ không cần bàn thêm bởi trong số 6 di sản phi vật thể thế giới của Việt Nam hiện nay, có lẽ chỉ Dân ca Quan họ Bắc Ninh mới có được sự lan tỏa sâu rộng và tính phổ biến cao nhất. Điều đó thật đáng mừng, mang lại niềm tin tưởng lớn về sức sống bền vững của Di sản văn hóa Quan họ. Thế nhưng, để di sản văn hóa Quan họ sống khỏe và sống đúng với bản sắc, cốt cách, giữ gìn được cái vốn quý bản thể của một “nghề chơi” vẫn là câu hỏi cần đặt ra trong bất cứ giai đoạn nào.

Hát canh Quan họ ở Đình làng Hoài Thị (Liên Bão, Tiên Du).

 
 
Có thể thấy, không gian văn hóa Quan họ vùng Kinh Bắc hiện nay không phải chỉ gói gọn trong 49 làng Quan họ gốc như trước đây mà đã phát triển thêm hàng trăm làng Quan họ thực hành với hàng nghìn câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm Quan họ ở đủ các lứa tuổi từ cao niên, trung niên cho đến lớp thanh thiếu niên và nhi đồng. Hoạt động truyền dạy Dân ca Quan họ cũng diễn ra thường xuyên, liên tục ngay trong từng gia đình, dòng họ, làng xã ở khắp cộng đồng các làng Quan họ. Cũng chưa thấy có di sản nào được tổ chức đi biểu diễn quảng bá, giới thiệu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Bây giờ, về bất cứ làng Quan họ nào trên đất Bắc Ninh đều có thể dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện với những liền anh, liền chị. Họ sẵn sàng bỏ cả ngày công lao động, dành thời gian trang điểm, diện trang phục Quan họ để đi hát giao lưu và phục vụ bà con nhân dân mà chẳng suy tính đến thù lao. Nói vậy để thấy rằng, Dân ca Quan họ trở thành một thứ tất yếu trong cuộc sống hàng ngày giống như cơm ăn, nước uống, trong từng lời nói, hơi thở của người dân vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc. Không những thế, Bắc Ninh còn là địa phương tiêu biểu, đi đầu trong việc công nhận và tôn vinh nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh, rồi tiếp sau đó là đưa Di sản vào giảng dạy trong tất cả các trường học phổ thông. Sức lan tỏa của Dân ca Quan họ Bắc Ninh rất lớn và đó là điều chắc chắn không ai có thể phủ nhận. Kết quả ấy là sự nỗ lực, chung tay góp sức của cả cộng đồng đã sản sinh, nuôi dưỡng và yêu mến Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Song, nếu như tính phổ biến, sức sống khỏe mạnh cùng sự lan tỏa của di sản văn hóa Quan họ có lẽ không cần phải suy xét thêm thì việc bảo tồn cái gốc cốt lõi để làm sao cho Quan họ sống khỏe nhưng phải sống đúng, sống đủ như bản thể vốn có là một nghề chơi lại rất đáng phải bàn và cần được lưu tâm, chú trọng nhiều hơn nữa. Anh hai Nguyễn Văn Quỳnh, 79 tuổi ở làng Hoài Thị (xã Liên Bão, Tiên Du) tâm sự: Biết hát Quan họ thì dễ nhưng để biết chơi Quan họ thì không phải ai cũng làm được. Thời chúng tôi, những câu hát Quan họ là để thay cho những lời tâm sự, giãi bày nỗi lòng, suy nghĩ, tình cảm với nhau. Chúng tôi hát cho mình, hát để thỏa mãn niềm say mê của bản thân chứ không biểu diễn Quan họ, không hát cho khán giả nghe như bây giờ.
 

Liền anh, liền chị làng Viêm Xá hát Quan họ trong ngày hội.

Vẫn biết, phải có sự phát triển như ngày nay thì Quan họ mới có tính phổ biến sâu rộng và chiếm lĩnh được nhiều tình cảm yêu mến của đông đảo công chúng đến thế. Nghe hát Quan họ có nhạc đệm như bây giờ cũng rất hay, khán giả dễ nghe, dễ học theo và không thấy chán. Thế nhưng, phát triển thì tốt nhưng bảo tồn vốn cổ thì chẳng được là bao. Ông Quỳnh cho biết thêm: Lo nhất là khi thế hệ gắn bó với nghề chơi Quan họ như chúng tôi mất hết thì liệu mai sau người ta có nhận ra nghề chơi truyền thống trước đây như thế nào nữa không? Tôi rất không hài lòng vì thấy nhiều liền anh, liền chị hiểu biết rất rõ về nghề chơi nhưng khi có người đến đề nghị yêu cầu diễn theo sự sắp đặt của người ta để quay phim, chụp ảnh có khuôn hình đẹp nhưng chẳng giống với lối xưa mà vẫn cứ làm theo. Ví dụ như, Quan họ xưa làm gì có cảnh liền anh, liền chị mang trầu cau ra tận đầu làng để đón Quan họ bạn giống như các cảnh quay trên truyền hình bây giờ đâu… Chính sự dễ dãi của các liền anh, liền chị tự nhiên làm cho người ta hiểu lệch lạc về truyền thống văn hóa Quan họ cổ quê hương mình. Hay thời gian gần đây, việc truyền dạy Quan họ chỉ chú ý đến phát triển về số lượng, người học cũng chỉ thích học một vài làn điệu dễ hát, quen thuộc chứ những giọng lề lối, la rằng thì không chịu học. Cả người truyền dạy lẫn người học rồi sau đó thực hành thể hiện đều thích dễ dãi, không chịu khó tìm tòi, học hỏi cho đúng, cho đủ theo lối chơi vốn cổ ngày xưa nên chất tinh túy, bản thể của Quan họ truyền thống cứ “rơi rụng”, mất mát dần như thế.

Không phải người ta không biết Quan họ là một nghề chơi mà để chơi được cần lắm công phu và có tinh mới tường cho được. Nhưng vì lúc này lúc khác, vì ngại khó, ngại khổ, vì rất nhiều lý do mà việc bảo tồn vốn cổ bị xem nhẹ, chẳng được chăm chút cho tương xứng với giá trị, vẻ đẹp của di sản mà ông cha để lại. Hơn bao giờ, muốn di sản văn hóa Quan họ vừa sống khỏe vừa phải sống đúng, sống đủ để danh tiếng bản thể của Quan họ được truyền tụng tới muôn đời sau cần sớm có sự quan tâm nhiều hơn, tính khắt khe, cầu thị nhiều hơn nữa của chính những nghệ nhân, liền anh, liền chị đang giữ trọng trách truyền dạy và cả sự chuyên tâm, nghiêm túc của những người muốn học về văn hóa Quan họ. Bên cạnh đó, với tất cả cộng đồng những người yêu Quan họ hay muốn thể nghiệm Quan họ thì cần phải hiểu biết sâu sắc, đúng bản chất để từ đó có những ứng xử văn hóa, xứng tầm hơn đối với Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Top