khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 04/10/2012 - 11:26

Trường nghề chật vật chiêu sinh

Trong khi mùa tuyển sinh ở các trường Đại học, Cao đẳng đã khép lại và bắt đầu bước vào năm học mới, số học sinh thi trượt ở các hệ này cũng không phải là ít, thế nhưng các trường nghề vẫn đang chật vật trong việc tuyển đầu vào. Khó khăn này đã tồn tại từ nhiều năm nay và chưa có biện pháp tháo gỡ hiệu quả.

Thày, trò trường Cao đẳng nghề Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Ninh trong giờ thực hành máy hàn công nghệ cao.
 
 
Thực trạng tuyển sinh ở các trường nghề
Chúng tôi đến trường Cao đẳng nghề Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Ninh vào đúng thời điểm nhà trường đang bộn bề với công tác tuyển sinh cho năm học 2012, Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Đức Nhời tiếp chúng tôi trong tâm trạng lo lắng: “Từ năm 2009 đến nay, số lượng tuyển sinh đầu vào cứ ít dần. Đơn cử như năm 2011, trường chỉ tuyển được 436 học sinh học ở các hệ chính quy, trong khi quy mô đào tạo đạt tới hơn 1.000 học sinh. Năm nay có lẽ phải đến tháng 10 mới biết chính thức số học sinh tuyển được”.
Được biết, hiện hồ sơ nộp vào trường mới được khoảng hơn 500 bộ ở tất cả các hệ đào tạo, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 1.200 học sinh mà hồ sơ nộp vào là một chuyện còn số học sinh thực tế có nhu cầu học cũng chưa biết là bao nhiêu. Nhà trường nỗ lực tìm giải pháp để thu hút học sinh. Một mặt huy động và giao chỉ tiêu cho tất cả giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong trường phải tham gia công tác tuyển sinh, có gắn thi đua, khen thưởng, đồng thời tuyên truyền công tác tuyển sinh qua các lớp học sinh đang theo học tại trường. Mặt khác không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cả về trang, thiết bị dạy học và chất lượng đội ngũ giáo viên, nhằm thu hút học sinh và đáp ứng nhu cầu việc làm trong xã hội.
 
 Lao động phổ thông được tuyển ồ ạt vào các doanh nghiệp, cũng là một trong những nguyên nhân khiến trường nghề khó tuyển sinh.
 
Hiện nay chất lượng đào tạo của trường đã đạt theo chuẩn của Tổng cục Dạy nghề. Một số nghề học như cắt gọt kim loại, hàn đạt chuẩn cấp khu vực... Hàng năm, nhà trường còn tổ chức cho nhiều lượt giáo viên đi các quốc gia có nền kỹ thuật, công nghệ tiên tiến như Liên bang Đức, Malaysia... học tập nâng cao trình độ giảng dạy.
Trường nghề cấp tỉnh đã vậy, còn đối với trường nghề cấp Bộ đóng trên địa bàn liệu có khả quan hơn? Qua Phòng Quản lý Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng tôi được biết trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng khó khăn này. Với chỉ tiêu đặt ra cho năm học 2012 này là 1.800 học sinh ở tất cả các hệ đào tạo, nhưng đến nay mới có 1.300 bộ hồ sơ nộp vào trường, còn con số vào học thực chất thì cũng chưa tính toán được.
Hầu hết các trường Trung cấp nghề đang trong tình trạng “lấy ngắn, nuôi dài”, chỉ đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng theo chỉ tiêu được giao. Bài toán tuyển sinh ở các trường nghề có lẽ sẽ ngày càng nan giải, nếu không nhanh chóng có những giải pháp tích cực tác động.
Nguyên nhân khó chiêu sinh
Giải đáp những khúc mắc trong công tác tuyển sinh nghề hiện nay, thày Nguyễn Đức Nhời nhận định: “Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khó khăn cho công tác tuyển sinh ở các trường nghề chính là hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay quá nhiều. Tâm lý của các bậc phụ huynh và học sinh luôn cho rằng nếu không được vào học Đại học thì học Cao đẳng vẫn “oai” hơn trường nghề; hoặc cứ học lấy tấm bằng đã, còn làm gì và làm ở đâu, có phù hợp với ngành học không lại tính tiếp theo các mối “quan hệ” của gia đình. Từ vấn đề này dẫn đến các em khó định hướng nghề nghiệp cho mình, nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào cha, mẹ lo xin việc chứ không xác định được hướng đi phù hợp với khả năng của bản thân.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Đinh Minh Duyệt, Trưởng phòng Quản lý Dạy nghề, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Duyệt cho rằng: “Hiện nay, tất cả các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Mặc dù số lượng học sinh tốt nghiệp THPT rất đông và số trượt Cao đẳng, Đại học cũng rất nhiều, song số học sinh đi học nghề lại rất thấp. Nghịch lý đó bắt nguồn từ nhận thức của các bậc phụ huynh chưa đầy đủ về học nghề, họ cho rằng học nghề quá tầm thường và chỉ đến bước cuối cùng mới theo học”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh lại tuyển ồ ạt lao động phổ thông, chưa chú trọng đến lao động có tay nghề. Thậm chí trả lương cho công nhân có tay nghề bậc thợ cũng chỉ bằng lương lao động phổ thông, nên nhiều người so sánh: Vào trường đào tạo nghề vừa mất 2-3 năm, vừa tốn kinh phí mà thu nhập vẫn chỉ bằng người không học. Đây là một thực tế đáng lo ngại hiện nay bởi phương thức sử dụng lao động của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Họ tuyển dụng lao động trong khoảng 18-25 tuổi và chỉ cần bồi dưỡng trong khoảng thời gian ngắn để thông thạo một thao tác nhỏ trong cả ê kíp dây truyền sản xuất là được. Như vậy doanh nghiệp vừa “trốn” được kinh phí đào tạo, vừa dễ dàng tuyển mới khi lớp lao động trước đã bị “khai thác” hết khả năng. Cách sử dụng lao động như vậy cũng là một trong những nguyên nhân gây khó cho công tác tuyển sinh đào tạo nghề hiện nay, đồng thời để lại hậu quả xã hội phải giải quyết là lực lượng lao động trong độ tuổi từ 32-35 không còn khả năng đáp ứng cho doanh nghiệp vừa không có nghề, vừa không có việc.
Giải pháp nào cho công tác tuyển sinh ở các trường nghề
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp đang rất thiếu lao động chất lượng đã qua đào tạo nghề nhưng việc họ tuyển dụng hay không lại chưa có một cơ chế cụ thể ràng buộc khi vào hoạt động trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chất lượng nguồn lao động đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Có thể điều này chỉ đúng trong việc lựa chọn nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi trên thực tế doanh nghiệp phần lớn sử dụng lao động chưa qua đào tạo. Để có một lao động qua hệ Trung cấp nghề, có kiến thức cơ bản tỉnh đã phải đầu tư nhiều triệu đồng chẳng lẽ lại không đáp ứng bằng lao động chưa qua đào tạo như doanh nghiệp vẫn tuyển hay sao? Đã đến lúc chính quyền các cấp cần có những tác động, xây dựng cơ chế  nhằm tránh tình trạng sử dụng nguồn nhân lực theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” như hiện nay.   
Một giải pháp hiệu quả nữa là công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh dưới mọi hình thức để làm thay đổi nhận thức của nhân dân cũng như lớp trẻ hiện nay về công tác đào tạo nghề. Hầu hết học sinh học nghề khi ra trường bây giờ đều dễ tìm việc làm, thậm chí có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc phù hợp. Trong khi không ít sinh viên học Đại học, Cao đẳng ra trường không có việc làm, vì ngành nghề đào tạo không phù hợp, hoặc số có bằng cấp quá nhiều, khó cạnh tranh khi kiếm một chỗ làm.
Ngoài ra, giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề cũng cần có sự liên kết chặt chẽ trong vấn đề đào tạo và tuyển dụng. Tỉnh cũng nên có cơ chế hỗ trợ cho các trường nghề cũng như chế tài bắt buộc trong công tác tuyển dụng lao động đối với các doanh nghiệp, để khuyến khích, thu hút lớp trẻ học nghề. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đối với các trường và cơ sở đào tạo, trước khi có những giải pháp tác động tích cực đến công tác tuyển sinh học nghề phải chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, để vừa thu hút học sinh, vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật hiện nay.

V.T- H.L

bacninh.gov.vn
Top