Tác giả kịch bản văn học của chương trình là Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông xoay quanh ý tưởng, kết cấu, chủ đề và nội dung chương trình.
Xin chào ông! Khi biết ông là tác giả kịch bản của “Bắc Giang - Ký ức toả sáng”, rất nhiều người phấn khởi và tin tưởng chương trình sẽ thành công bởi đơn giản, đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông còn làm hay thế cơ mà. Ông nghĩ sao?
(Cười lớn) Ối trời! Thế này thì tôi phải cố gắng hơn nữa rồi. Cám ơn các bạn đã tin tưởng tôi. Nhưng quả thực, Bắc Giang có nhiều cái hay, cái đẹp để nói, để viết và để toả sáng lắm!
Cái hay, cái đẹp đó là gì và sẽ được ông đưa vào kịch bản như thế nào?
Trước hết, tôi muốn khẳng định với các bạn một điều rằng: Bắc Giang không phải là nơi tiềm ẩn nữa mà là nơi chứa đựng những nét văn hoá vô cùng đặc sắc và độc đáo. Tôi sẽ cố gắng mang những nét tinh hoa đến từ quá khứ để kể một câu chuyện bằng ngôn ngữ nghệ thuật thật trong trẻo và hồn nhiên về quê hương Bắc Giang với bạn bè khắp nơi.
Vậy có thể hình dung về chương trình “Bắc Giang-Ký ức toả sáng” như thế nào, thưa ông?
Sẽ là một bản trường ca hùng tráng về Bắc Giang với kết cấu ba chương: Chương 1: Giao hội và tinh kết; Chương 2: Khí phách hào hùng; Chương 3: Di sản thăng hoa. Chương trình sẽ đưa người xem đến với những giá trị văn hoá tiêu biểu của Bắc Giang, tôn vinh các giá trị đó và để nó toả sáng. Tôi muốn thông qua chương trình để thế hệ trẻ Bắc Giang thêm yêu hơn mảnh đất quê hương mình, đồng thời quảng bá những tiềm năng đầy hứa hẹn của Bắc Giang với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Gần đây, tôi có xem chương trình ông làm về ATK Thái Nguyên, cũng khá hấp dẫn. Không biết ở “Bắc Giang - Ký ức toả sáng”, ông sẽ nhấn vào những đặc trưng văn hoá nào để nó không giống với bất kỳ một chương trình nghệ thuật nào khác?
Như tôi đã nói ở trên, Bắc Giang có bề dầy truyền thống văn hoá. Từ phong tục kết chạ - hàng ước đến các loại hình văn hóa dân gian như hát Soong hao, Sli, lượn; các lễ hội cầu mùa, cấp sắc… đều rất độc đáo. Tuy nhiên, trong “Bắc Giang- Ký ức toả sáng”, tôi muốn nhấn mạnh ở ba nét riêng, đó là hình thức giao duyên hát ống - hát ví, quan họ bờ Bắc sông Cầu và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Hát ống - hát ví thú vị vô cùng bạn ạ! Nó là hình thức sinh hoạt cộng đồng không tốn kém, dễ làm, dễ chơi mà rất trẻ thơ. Nó không chỉ là những ống nứa bịt da trâu nối với những sợi tơ mà nó tượng trưng cho mạch ngầm văn hoá chảy xuyên suốt, liên tục hàng nghìn năm của cộng đồng cư dân xứ Bắc. Sâu sắc lắm!
Còn quan họ cổ bờ Bắc sông Cầu cũng rất riêng và lâu đời, từ lề lối, cách thức trình diễn đến trang phục… Đặc biệt là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, tôi sẽ lý giải cho mọi người hiểu tại sao Phật Hoàng lại chọn Bắc Giang chứ không phải nơi nào khác, qua đó để nói rằng Bắc Giang không chỉ có Mộc bản mà mảnh đất, con người nơi đây từ ngàn xưa đã là đất lành, người dân ôn hoà, trượng nghĩa.
Văn hoá là vậy, còn với truyền thống lịch sử, sẽ là những “khí phách hào hùng” nào, thưa ông?
Sử Bắc Giang cũng có nhiều cái để kể, để tự hào, từ thời Trần Thủ Độ nhận đất phong ở đây, chiến thắng Xương Giang, khởi nghĩa Yên Thế… Tôi dựng nhiều hoạt cảnh để người xem có thể mường tượng lại lịch sử hào hùng của quê hương như việc mô phỏng lễ tế cờ, Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám xuất hiện, tuyên bố: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng”. Các tiết mục “Trai Cầu Vồng-Yên Thế, gái Nội Duệ-Cầu Lim”, võ sáo Yên Thế, hoạt cảnh kết hợp nghệ thuật sắp đặt và múa đương đại “Những làng Đỏ Bắc Giang”, sự kiện đồng chí Hoàng Quốc Việt về Hiệp Hoà xây dựng phong trào cách mạng, hoạt cảnh những cô gái Bắc Giang tham gia tiêu thổ kháng chiến, Bắc Giang cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
Đúng là để kể về những giá trị văn hoá, lịch sử của mảnh đất Bắc Giang trong khuôn khổ một chương trình nghệ thuật quả là điều không đơn giản, như màn hát đối đáp ông viết: “Bao giờ trời Yên Tử hết mây/Sông Thương cạn nước, đất này mới hết cái để khoe”. Tuy nhiên, để những giá trị đó thăng hoa bằng ngôn ngữ nghệ thuật, hẳn ông đã có những ý tưởng, sắp đặt?
Tôi nghĩ thế này, không chỉ ở chương trình nghệ thuật đâu mà đã là di sản thì không nên chỉ dừng ở ký ức mà phải để nó thăng hoa, toả sáng trong mỗi người. Chính vì thế, tôi chọn chương 3 “Di sản thăng hoa” làm điểm nhấn cho toàn bộ chương trình và cũng là chủ đề xuyên suốt của “Bắc Giang - Ký ức tỏa sáng”. Nối vào từ không khí hân hoan đón mừng đại thắng, tôi sẽ đưa người xem trở lại với không gian tĩnh mịch, yên ả của chùa Vĩnh Nghiêm với tiếng chuông chùa ngân nga. Những giá trị độc đáo của Mộc bản, 23 điểm di tích lịch sử, văn hoá quý giá của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế và 16 xã của ATK II Hiệp Hoà sẽ được làm nổi bật qua từng phân cảnh, trích đoạn. Và điều quan trọng hơn cả, tôi nhấn nhiều đến giá trị của các di sản đó trong công cuộc hội nhập và phát triển, để nó luôn toả sáng.
Thưa ông, để hiện thực hoá nội dung đó, sân khấu được thiết kế theo ý tưởng nào để ra được “chất” Bắc Giang?
Tuy có mấy phương án thiết kế sân khấu nhưng như bạn nói thì nó vẫn phải có những cái riêng của Bắc Giang, nhìn cái là ra Bắc Giang ngay mới được. Tôi sử dụng kiến trúc của Đền Thề (Yên Thế), mái cong chùa Vĩnh Nghiêm, tấm bia đá khắc tên di tích lịch sử ATK II Hiệp Hoà, mô hình đình Vân Xuyên và hoa văn Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm làm chất liệu mô phỏng chính của sân khấu. Bên cạnh đó, sẽ có hàng cây xanh phía sau tượng trưng cho dãy Yên Tử, có các thác nước đổ từ trên xuống tượng trưng cho sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu.
Với kết cấu chương trình rộng lớn và hoành tráng như vậy, hẳn số lượng diễn viên tham gia cũng không nhỏ?
Tôi tính có khoảng từ hơn 300 đến 400 lượt người tham gia chương trình này và chủ yếu là bà con mình. Hàng ngày họ hát, họ lao động, họ yêu quê hương mảnh đất mình như thế nào, tôi cứ “bê” nguyên si vào thế. Diễn viên chuyên nghiệp chỉ đóng vai trò làm hướng dẫn viên, định hướng, dẫn dắt diễn viên quần chúng theo kịch bản chương trình cho không bị loãng thôi. Làm về Bắc Giang, làm sao phải thật hồn nhiên, tươi tắn; càng hồn nhiên càng đẹp.
Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện này và chúc ông cùng ê kíp thực hiện chương trình thật thành công!
Chương trình nghệ thuật “Bắc Giang-Ký ức toả sáng” gồm ba chương:
Chương 1- Giao hội và tinh kết: Tập trung giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành vùng đất Bắc Giang và những nét đặc trưng văn hoá, các giá trị di sản tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang.
Chương 2- Khí phách hào hùng: Giới thiệu về lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.
Chương 3- Di sản thăng hoa: Giới thiệu về những di sản văn hoá tiêu biểu đã được công nhận ở Bắc Giang, những thành tựu nổi bật trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong công cuộc hội nhập và phát triển.
Chương trình sẽ được diễn ra vào 20 giờ tối Thứ Bảy 6-10-2012 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam và trên sóng Đài PT-TH Hà Nội, Đài PT-TH Bắc Giang.
Thu Hương