khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 03/04/2012 - 07:30

Công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng

Áp dụng công nghệ mới để mang lại hiệu quả kinh tế, chất lượng cao cho công trình là một yêu cầu quan trọng luôn được đặt ra trong lĩnh vực xây dựng. Vì vậy, lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, giải pháp kết cấu sàn rỗng BubbleDeck được áp dụng tại công trình Trung tâm Điều hành viễn thông, tin học và chăm sóc khách hàng (Viễn thông Bắc Ninh) đường Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Ninh đã thu hút sự quan tâm của các đơn vị chuyên ngành. Đây là công nghệ sàn mới, hiện đại trong xây dựng được ứng dụng, phát triển thành công tại Châu Âu. Ở Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng, công nghệ này còn khá mới mẻ nhưng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, cộng đồng và xã hội.

Kiểm tra chất lượng sàn bóng trước khi đổ bê tông.

 
Theo anh Hạ Hồng Quang, Phòng Thẩm định thiết kế (Sở Xây dựng), BubbleDeck là công nghệ sàn rỗng làm việc theo 2 phương có thành phần cơ bản là lưới thép hàn lớp trên, lớp dưới và ở giữa là các quả bóng rỗng bằng nhựa tái chế. Do đó, tùy theo cách thức đúc bê tông có thể tạo thành các sản phẩm như: tấm sàn loại lưới thép và bóng được chế tạo tại nhà máy, vận chuyển ra và đổ bê tông toàn khối tại công trường; hoặc tấm sàn loại lưới thép, bóng và lớp sàn bên dưới (thường dày khoảng 6 cm) được đổ bê tông tại nhà máy, sau đó vận chuyển ra công trường lắp ghép và đổ bê tông phần còn lại. Đây là sản phẩm bán lắp ghép, khả năng thi công nhanh và không cần ván khuôn.
Về kết cấu, bước đột phá mang tính cách mạng trong công nghệ BubbleDeck chính là những quả bóng nhựa rỗng thay thế cho phần bê tông không tham gia chịu lực tại các thớ giữa của bản sàn giúp làm giảm nhẹ tới 35% trọng lượng và qua đó giảm nhẹ các kết cấu khác như móng, vách và đặc biệt là giảm kích thước, tăng khoảng cách hệ cột một cách đáng kể. Hơn nữa, việc bố trí những quả bóng rỗng giữa chiều dày sàn góp phần làm tăng chiều cao làm việc của sàn, dẫn đến tăng khả năng chịu lực, cách nhiệt, âm tốt, thân thiện với môi trường (sử dụng vật liệu tái chế) và có độ bền vững an toàn cao cho công trình… Với các ưu điểm kỹ thuật trên, sàn BubbleDeck mang lại những hiệu quả kinh tế tích cực, tiết kiệm bê tông (giảm 50% lượng bê tông so với phương pháp đổ sàn truyền thống), sử dụng ít cốt thép, chi phí vận chuyển thấp, rút ngắn thời gian thi công, công tác lắp đặt thiết bị và hoàn thiện trở nên đơn giản hơn. Hiện nay, công nghệ sàn BubbleDeck được ứng dụng thiết kế và thi công ở nhiều công trình trên cả nước. Đối với công trình Trung tâm Điều hành viễn thông, tin học và chăm sóc khách hàng Viễn thông Bắc Ninh cao 17 tầng, hiện đã thi công đến tầng thứ 7, các sàn đều sử dụng công nghệ BubbleDeck do Tổng Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam thi công.
 
 

Công trình đang chuẩn bị đổ tầng 7.

 

Anh Nguyễn Quang Doanh, Phó chỉ huy công trường cho biết: Bình quân mỗi sàn rộng khoảng 800 m2, chúng tôi sử dụng các tấm sàn bóng (loại lưới thép và bóng được chế tạo tại nhà máy, bên dưới là tấm ván gỗ, vận chuyển ra và đổ bê tông toàn khối tại công trường) có diện tích 9 x 2,44 m ghép lại. Chiều dày của sàn là 34 cm, trong đó đường kính quả bóng chiếm tới 27 cm, trung bình 10 quả/m2. Quá trình thi công nhanh giảm được 35% thời gian thực hiện so với đổ bê tông thường do không phải lắp ghép cốt pha đáy tại công trường…

Tuy nhiên, đây là công nghệ mới, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Nếu liên kết 2 lớp sắt không chuẩn có thể làm nổi bóng. Vì vậy, trước khi thi công, cán bộ, công nhân Công ty đã phải trải qua một đợt học tập các kỹ năng cơ bản trong đổ bê tông sàn bóng. Với tiến độ triển khai như hiện nay (đổ được 3 - 4 sàn/tháng) , đơn vị thi công sẽ tập trung nhân lực, phương tiện theo từng giai đoạn công việc, phấn đấu hoàn thành công trình vào cuối tháng 12 - 2012.

Công nghệ sàn bóng BubbleDeck đã được cấp chứng nhận Tiêu chuẩn Xây dựng và ứng dụng vào nhiều công trình lớn trên thế giới và Việt Nam. Với Bắc Ninh, chúng ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trong thời gian tới toàn tỉnh tiếp tục xây dựng nhiều công trình hiện đại đáp ứng tiến trình đô thị hóa. Vì vậy, việc khuyến khích áp dụng vật liệu, công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng là việc đáng làm không chỉ ở những công trình có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước…

Bài, ảnh: Đ.A
Top