khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 02/04/2012 - 07:35

Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây cùng với các tiến bộ kỹ thuật, nhiều công cụ cơ giới đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả lao động. Tuy nhiên, do ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán nên việc đưa các phương tiện cơ giới vào ứng dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ.

Trình diễn thử nghiệm máy cấy tại HTX Thượng Đồng, phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh) trong vụ xuân vừa qua.

 
Theo ông Nguyễn Văn Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư cơ giới hóa, nhất là các khâu nặng nhọc, tốn công lao động như: Tưới tiêu, làm đất, gieo cấy, thu hoạch…

Kết quả thống kê gần đây nhất, toàn tỉnh hiện có gần 5.000 máy làm đất, 3.500 máy tuốt lúa, 50 máy gặt đập liên hợp, hơn 1.000 công cụ gieo hạt rải hàng và hàng nghìn máy bơm nước. Nhờ vậy, đã góp phần quan trọng tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.

Năng suất lúa toàn tỉnh tăng từ 54,8 tạ/ha (năm 2006) lên 63,5 tạ/ha (năm 2011); Giá trị sản xuất trồng trọt tăng từ 1.135 tỷ đồng (năm 2006) lên 1.152 tỷ đồng (năm 2011) trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm khoảng 4.000 ha.

Tuy nhiên, tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp những năm qua còn chậm, ở nhiều địa phương việc ứng dụng cơ giới hóa còn thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, cơ giới hóa mới thực hiện được 3 khâu là làm đất, tưới tiêu, tuốt lúa trong khi các khâu khác như gieo cấy, bảo vệ thực vật, bảo quản nông sản… chưa được cơ giới hóa hoặc tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp.

Ngành Nông nghiệp xây dựng mục tiêu đến năm 2015 sẽ áp dụng cơ giới hóa vào một số lĩnh vực cụ thể trong sản xuất: Từng bước thay thế các máy làm đất công suất nhỏ đã cũ bằng máy có công suất lớn; Mở rộng diện tích lúa gieo thẳng bằng công cụ rải hàng lên khoảng 30% diện tích lúa; Trên 50% diện tích cây trồng được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng động cơ; Phấn đấu 30% diện tích lúa trở lên được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; Từng bước áp dụng máy sấy vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng nông sản...

Để có thể hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số giải pháp: Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, các huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, vùng chuyên canh theo phương châm “cùng giống, cùng trà” được áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hoá.

Phát triển hệ thống giao thông nội đồng, thuỷ lợi, điện đáp ứng yêu cầu ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ các khâu của sản xuất, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

Mặt khác, khuyến khích tích tụ ruộng đất bằng nhiều hình thức: Các hộ nông dân có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ thuê mượn ruộng đất để tổ chức sản xuất lớn, các địa phương, HTX, hộ liên kết sản xuất hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để kinh tế hộ phát triển thành kinh tế trang trại và các doanh nghiệp nông nghiệp, đồng thời tăng cường phát triển kinh tế hợp tác và HTX theo hình thức liên kết “4 nhà”. Có như vậy mới thúc đẩy quá trình ứng dụng cơ giới hóa, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả lao động trong sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn
Top