khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Chủ nhật, 01/04/2012 - 08:28

Bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm

Nhiều năm gần đây vấn đề cung cấp nước sạch đã được Nhà nước quan tâm đầu tư và được các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy mức độ đầu tư chưa lớn nhưng có tác dụng thay đổi nhận thức của nhân dân.

Người dân ở khu vực nông thôn đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc dùng nước sạch, đã đầu tư tiền của và công sức để xây dựng các hệ thống cung cấp nước sạch cho gia đình. Tuy nhiên, mức độ khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất ở các vùng rất khác nhau, ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá này chưa được coi trọng.
 

Sử dụng tiết kiệm là biện pháp chính bảo vệ nguồn nước khỏi cạn kiệt.

Theo kết quả điều tra, khảo sát tại 150 điểm khai thác nước ngầm ở các xã, thị trấn, làng nghề trọng điểm của Sở TN và MT cho thấy: người dân khu vực nông thôn, sử dụng bình quân ngày khoảng 40 - 50 lít nước, tại các khu vực làng nghề và thị trấn mức độ sử dụng nước cao hơn, vì ngoài ăn uống sinh hoạt, nước còn phục vụ các nhu cầu sản xuất, dịch vụ…

Việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất đã được ngành chức năng chú ý nhưng mới chỉ tập trung được ở các khu công nghiệp, đô thị, còn các lỗ khoan đơn lẻ và cấp nước nông thôn chưa được chú ý, nhân dân không hiểu phải khoan kết cấu giếng và khai thác thế nào để có thể chống suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Số lượng lỗ khoan tự phát ở các làng nghề xảy ra thường xuyên, hỏng giếng này khoan giếng khác thay thế một cách tuỳ tiện, bừa bãi. Các lỗ khoan không xin cấp phép theo quy định, khi giếng hỏng không được trám lấp lại theo đúng qui định...

Hiện nay, việc quản lý, cấp phép các giếng khoan nước đã đi vào nền nếp nhưng để có thể áp dụng đúng Luật Tài nguyên nước cần phải đầu tư công sức nhiều hơn và phải có những biện pháp kiên quyết hơn mới có thể quản lý được tài nguyên nước. Qua tính toán trữ lượng khai thác tiềm năng tầng chứa nước trên địa bàn tỉnh xác định khoảng gần 700.000m3/ngày. Trong đó trên diện tích vùng nước nhạt là 431 km2, trữ lượng khai thác tiềm năng xác định được tương đương 379.702 m3/ngày. Trên diện tích vùng nước lợ và mặn là 369,10 km2 trữ lượng khai thác tiềm năng xác định được tương đương 319.608 m3/ngày.

Cùng với sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hoá, nhu cầu nước dùng cho ăn uống sinh hoạt và sản xuất ngày càng lớn. Ngoài ra, tài liệu quan trắc động thái khai thác còn cho thấy một biểu hiện khó lường khác đó là: cùng với sự gia tăng lưu lượng khai thác đã xuất hiện hiện tượng công suất của từng lỗ khoan cũng như trên toàn bãi giếng có chiều hướng giảm dần, sự tụt mực nước ở các lỗ khoan thể hiện khá rõ, một số khu vực quan sát thấy có sự giảm mực nước một cách hệ thống, đặc biệt ở những nơi khai thác bừa bãi không được cấp phép.

Do vậy, để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước, cần phát triển hiệu quả mạng lưới quan trắc để kiểm soát được sự biến đổi về chất lượng cũng như trữ lượng nước. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp quy hoạch khai thác hợp lý, bảo vệ tài nguyên - môi trường nước. Trước mắt, phải có quy hoạch khai thác nước dưới đất trên cơ sở quy hoạch các nguồn nước khác như nước mưa, nước mặt. Khai thác nước tập trung là chính, tiến tới loại bỏ khai thác đơn lẻ, nhất là vùng nông thôn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra thanh tra việc khoan đào địa chất, khai thác nước. Sớm chấm dứt tình trạng khoan thăm dò địa chất, khai thác nước không có giấy phép…

Bài, ảnh: Hoàng An
Top