Xây dựng GTNT ở xã Phượng Mao (Quế Võ).
Ngay như năm 2011, mặc dù nguồn vốn đầu tư cho GTNT không nhiều song các địa phương trong tỉnh cũng đã đầu tư 205 tỷ đồng xây dựng 5km mặt đường nhựa, 84km đường bê tông, xi măng và trải 23km cấp phối đá dăm…
Tuy nhiên, so sánh với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thì hệ thống GTNT trong tỉnh còn bộc lộ nhiều bất cập, đó là mặt đường hẹp không đáp ứng nhu cầu sử dụng cơ giới hóa nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa giữa các vùng ở khu vực nông thôn. Một số huyện lựa chọn phương án đầu tư chưa thích hợp, có nơi xã chỉ đạo chậm chưa nắm bắt kịp phong trào làm GTNT cho nên bỏ lỡ thời cơ. Cũng có xã làm quá nhiều đoạn đường trong khi khả năng kinh phí có hạn, dẫn tới tình trạng nợ đọng kéo dài.
Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho duy tu, bảo dưỡng đường GTNT chưa có cho nên chỉ sử dụng nhân công vào việc phát cây, thoát nước mặt đường, khơi thông cống rãnh là chủ yếu. Thiếu kinh phí đầu tư cho việc mua vật tư để vá ổ gà, vì vậy đường càng nhanh xuống cấp sau mỗi mùa mưa.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vương Hữu Truyền, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chia sẻ: Mặc dù thời điểm hiện tại gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn cho xây dựng GTNT song ngành GT-VT cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 có 50% số xã trong tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới về GTNT theo cấp kỹ thuật của Bộ GT-VT; đến năm 2020, 100% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới về GTNT.
Để thực hiện kế hoạch này, trước mắt Sở GT-VT áp dụng cấp kỹ thuật đường GTNT của Bộ Giao thông vận tải để cấp huyện xây dựng đề án, ước tính khối lượng và dự trù kinh phí xây dựng. Trong giai đoạn hiện nay, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố tập trung quản lý tốt, không để xảy ra tình trạng đầu tư tràn lan, địa phương nào cân đối được nguồn vốn mới cho khởi công, thi công mới các dự án. Riêng đối với các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn cho hạ tầng giao thông. Hướng đầu tư giai đoạn tới đối với GTNT trên địa bàn tỉnh là đầu tư giao thông đô thị, vì vậy công tác quy hoạch, xây dựng GTNT phải có tầm nhìn, quy mô lớn hơn. Với quy mô lớn, công tác thực hiện chắc chắn sẽ chậm tiến độ song tỉnh vẫn chấp nhận vì những mục tiêu lâu dài.
Ông Truyền cho biết thêm: Muốn đạt kế hoạch, phải xây dựng lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, từ việc phân cấp đầu tư quản lý đến cơ chế hỗ trợ xây dựng các tiêu chí kỹ thuật, thiết kế mẫu, hạng mục GTNT sao cho phù hợp. Tỉnh sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương trong việc huy động vốn qua các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nâng cấp các tuyến đường trục xã, liên xã. Bên cạnh đó, huy động các tầng lớp nhân dân, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay, góp sức xây dựng GTNT phục vụ tốt nhiệm vụ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.