khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 22/03/2012 - 08:48

Công tác phòng, chống Lao còn nhiều thách thức

Những năm qua, mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, công tác phòng, chống Lao trên địa bàn tỉnh hiện vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là xu hướng gia tăng tình trạng Lao/HIV, lao kháng thuốc, lao tái phát.

Năm 2011, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tiếp nhận hơn 6.300 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú cho 917 lượt bệnh nhân, trong đó, tuy số lượng bệnh nhân mắc bệnh phổi ngoài lao đến khám chiếm tới hơn 78%, nhưng tỷ lệ bệnh nhân Lao phải nhập viện khi đến khám lại rất cao. Theo thống kê của Bệnh viện, tổng số ngày điều trị nội trú của bệnh nhân Lao thường cao hơn hẳn số ngày điều trị nội trú của bệnh nhân mắc bệnh phổi ngoài lao. Một bệnh nhân Lao trung bình phải điều trị trong 64 ngày, trong khi đó, bệnh phổi ngoài lao chưa đến 17 ngày điều trị.
 

Tình trạng Lao/HIV, lao kháng thuốc, lao tái phát đang có xu hướng gia tăng.

Tuy điều kiện lực lượng cán bộ còn ít so với mật độ dân số trong toàn tỉnh, công tác chỉ đạo tuyến đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2011, đã phát hiện thu nhận quản lý điều trị 740 bệnh nhân, tỷ lệ điều trị khỏi chiếm tới hơn 94%.

Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh hiện có quy mô 90 giường bệnh. Vẫn đang trong giai đoạn xây dựng mới nên cơ sở vật chất, trụ sở hiện tại của bệnh viện chật hẹp, chắp vá, xuống cấp không bảo đảm dây chuyền hoạt động, gây khó khăn trong thực hiện công tác vệ sinh và chống nhiễm khuẩn. Trang thiết bị y tế vẫn còn thiếu thốn, nhất là các thiết bị hồi sức cấp cứu và cận lâm sàng như nuôi cấy, làm kháng sinh đồ… phần nào ảnh hưởng tới công tác nâng cao chất lượng điều trị.  

Thêm vào đó, bệnh viện vẫn chưa có cán bộ chuyên khoa sâu mũi nhọn, trong khi đó, tỷ lệ cơ cấu cán bộ chưa hợp lý giữa bác sĩ, y tá, KTV, hộ lý và cán bộ phục vụ, đội ngũ cán bộ cận lâm sàng đào tạo đúng chuyên ngành còn quá ít, bác sĩ thiếu nhiều. Đặc thù của bệnh viện chuyên khoa, đối tượng bệnh nhân đến đây thường có tính chất bệnh chuyên khoa phức tạp, chủ yếu là bệnh mãn tính, di chứng để lại nhiều. Đây cũng là những bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan trong khi đối tượng bệnh nhân phức tạp, khó quản lý, duy trì điều trị đủ thời gian. 

Thời gian tới, với quy mô 90 giường như hiện nay, bệnh viện Lao và bệnh phổi cơ cấu 50 giường điều trị bệnh lao, 40 giường còn lại điều trị bệnh phổi ngoài lao; phấn đấu công suất sử dụng giường bệnh đạt và vượt mức kế hoạch được giao; nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân… nhằm đạt mục tiêu chung: Giảm tỷ lệ mắc, chết và lan truyền bệnh lao trong cộng đồng, bao gồm cả ảnh hưởng về tâm lý xã hội gây ra bởi bệnh lao, đóng góp vào chiến lược xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng của Việt Nam.

Trước nguy cơ và những thách thức trong công tác phòng, chống lao không chỉ ở riêng tỉnh Bắc Ninh, chương trình Chống Lao quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 50% số người mắc lao so năm 2000 và tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi có sự đổi mới toàn diện trong chiến lược chống lao. Đó là đổi mới tư duy, có sự tham gia đồng bộ của các cấp chính quyền, có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể thực hiện chính sách ưu tiên đặc biệt trên lĩnh vực phòng, chống lao, ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV gây bệnh lao - HIV.

Theo nghiên cứu, bệnh lao điều trị tốt, tỷ lệ khỏi đạt gần 100%, song do nhiều nguyên nhân mà không ít người bệnh không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, điều trị thiếu thời gian, không đúng liều, không đủ thuốc dẫn đến vi khuẩn lao kháng thuốc và khả năng khỏi bệnh chỉ đạt 50%.  Lo ngại hơn, đây chính là nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc ra cộng đồng càng gây khó khăn cho công tác điều trị và phát hiện bệnh, vì vậy ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống lao trong nhân dân. Đẩy mạnh áp dụng các thành tựu khoa học mới để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ tốt nhất trong ngăn ngừa, đẩy lùi bệnh lao. Chú trọng nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt và lao động cho mọi người để phòng, chống sự lây lan của bệnh… Làm được như vậy mới mong khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao theo mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: Thùy Vy
Top