Từ đầu năm đến nay, hoạt động của các DN có tốc độ tăng trưởng chậm, không đạt được kế hoạch đề ra, có DN hoạt động cầm chừng, chờ đợi thời cơ, nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất, giải thể... Nguyên nhân cơ bản do lạm phát ở mức cao và kéo dài đã làm cho chi phí đầu vào, chi phí nhân công... của DN tăng. Trong khi đó, sức mua của người dân giảm, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, gây thêm khó khăn cho hoạt động của DN; lãi suất ngân hàng ở mức cao, hơn nữa DN lại khó tiếp cận nguồn vốn vay để đáp ứng chi phí hoạt động và triển khai các dự án đầu tư, nên khó khăn về tài chính; Chính phủ thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ mức tăng trưởng hợp lý, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, giảm đầu tư công, do vậy đã tác động trực tiếp đến một số DN.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, 9 tháng qua, toàn tỉnh đã có hơn 700 DN ngừng hoạt động, ngoài ra còn có nhiều DN khác đang có nguy cơ phá sản... Trước những khó khăn của DN, UBND tỉnh đã thực hiện đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có nhiều nhóm giải pháp về thuế, tạo điều kiện vay vốn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư… Trong năm nay, tỉnh đã tổ chức 2 buổi gặp mặt, đối thoại với DN nhằm tìm giải pháp tháo gỡ.
Về phía các ngành chức năng, thời gian qua cũng đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN. Trước hết, Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung rà soát những vướng mắc trong đầu tư công; điều chuyển vốn kịp thời, tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công các dự án xây dựng cơ bản trọng điểm…
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn xuống mức phổ biến 13 - 15%/năm, giảm 7 - 10% so thời kỳ cao điểm…
Ngành Thuế xây dựng và triển khai nhiều biện pháp trong đó chủ yếu tập trung vào việc gỡ khó cho DN về các vấn đề liên quan đến thuế. Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh, Bắc Ninh sẽ có khoảng 1.000 DN được thụ hưởng chính sách này với số tiền để lại cho DN đầu tư khoảng 300 tỷ đồng...
Ngành Công Thương đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh; tạo điều kiện tối đa để DN đẩy mạnh sản xuất thông qua một số việc như: Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện để các DN tham gia các hội chợ triển lãm ở cả trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; khuyến khích các DN sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, chống gian lận thương mại tạo môi trường kinh doanh lành mạnh…
Theo ông Tạ Đăng Đoan, Phó Giám đốc Sở Công Thương thì việc chung tay gỡ khó cho DN của các cấp, các ngành trong thời gian qua đã và đang tạo động lực giúp DN vượt qua giai đoạn khó để tiếp tục duy trì và phát triển. Tuy nhiên, để thúc đẩy công nghiệp phát triển thì ngoài cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, về phía các DN sản xuất trong giai đoạn này phải nỗ lực trong việc tái cấu trúc lại DN; điều chỉnh lại mục tiêu, đưa ra mục tiêu sát sườn hơn; cần quyết liệt cắt giảm các lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh kém hiệu quả để tập trung vốn cho lĩnh vực ưu thế; chủ động bán các tài sản có giá trị để tạo vốn, tăng sử dụng thuê ngoài; tập trung chi phí cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, cắt giảm các chi phí khác; rút ngắn và đồng bộ chu trình cung ứng nguyên liệu - sản xuất - bán hàng để giảm tồn kho nguyên liệu và thành phẩm ở mức thấp nhất, từ bỏ tư duy dự trữ nguyên liệu và đầu cơ hàng hoá…
Bà Bạch Thị Kim Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh) cho biết “Gần 1 năm nay, Công ty gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế… Nhưng với hàng loạt những chính sách mới mà Trung ương và các bộ, ngành đã và đang triển khai, đặc biệt là chính sách về thuế, thị trường thời gian qua cùng với việc ngân hàng cho vay với mức lãi suất rẻ hơn… đã giúp Công ty thêm điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cho những tháng cuối năm và đầu năm 2013”.
Đại diện một số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều khẳng định các giải pháp như tháo gỡ khó khăn về vốn, thuế… là rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, kỹ thuật, đặc biệt là thị trường đầu ra, do vậy rất cần Nhà nước, các cấp, ngành liên quan, nghiên cứu tạo cơ chế thuận lợi, cởi mở hơn nhằm tạo động lực để DN trên địa bàn ngày càng phát triển.