Anh Trần Văn Thạo (40 tuổi, trú tại phố Đa Hội, P.Châu Khê, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) đau đớn kể lại: Vào khoảng hơn 17h ngày 3.10, vợ anh là chị Trần Thị Đào (38 tuổi) đi bộ tập thể dục. Khi chị đi đến khu vực cầu Dầm, Đa Hội thì bất ngờ bị một chiếc xe công nông chở đầy xỉ than, đi cùng chiều đâm vào. Chị Đào đã tử vong, do thương tích quá nặng.
Nhiều nhân chứng cho biết, trước khi gây tai nạn, chiếc xe công nông đã đâm vào hàng gạch ở lề đường. Có lẽ do bị cuống, nên lái xe không làm chủ được tốc độ.
Ngoài mất mát lớn, gia đình anh Thạo còn bức xúc bởi phương tiện gây tai nạn là xe công nông - vốn đã bị cấm lưu hành từ năm 2007. Và người điều khiển phương tiện lại đang ở độ tuổi vị thành niên.
“Sau khi sự việc xảy ra, gia đình chúng tôi có đưa người lái xe gây tai nạn giao cho CA P.Châu Khê để phục vụ điều tra, nhưng không hiểu sao người này lại được tự do. Đến nay đã qua nhiều ngày, nhưng sự việc vẫn chưa thấy cơ quan chức năng xử lý. Đã qua nhiều ngày chưa thấy gia đình của người gây tai nạn đến thăm hỏi” - Anh Thạo bất bình cho biết.
Ngày 12.10, trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tỉnh – Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (CA TX.Từ Sơn) - cho biết: Đối tượng điều khiển xe công nông gây tai nạn cho chị Đào là Nguyễn Văn Sơn (SN 1995, ở Kim Long, Bình Sơn, Sông Công, Thái Nguyên).
Vụ việc mới xảy ra được ít ngày, cơ quan điều tra vẫn đang thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ. Hiện người được cho là gây tai nạn vẫn ở ngoài xã hội, còn chiếc xe công nông gây tai nạn đã được cơ quan CA thu giữ.
Chủ chiếc xe công nông cũng là chủ sử dụng lao động Trần Văn Ngời (Đa Hội) rầu rĩ thừa nhận: Mặc dù nhận Sơn vào làm việc từ tháng 3, nhưng anh cũng không biết nhiều về lai lịch người làm công cho mình.
Anh Ngời lý giải, Đa Hội có nghề sản xuất sắt thép, người dân tứ xứ đổ về đây làm công rất đông, do cần nhân lực nên việc nhận người vào làm ở đây cũng đơn giản. Trước đó, anh này chỉ biết Sơn đã từng đến làm công cho một số gia đình tại Đa Hội.
“Khi bố của Sơn và cậu ta đến gặp tôi xin việc, cả 2 người đều nói Sơn SN 1992. Tôi không xem hồ sơ, giấy tờ của cậu ấy. Chúng tôi nhận người quen thỏa thuận bằng miệng với nhau, thấy lái được thì giao xe cho, ai ngờ lại xảy ra hậu quả nặng thế này” - anh Ngời nói.
LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn LS thành phố Hà Nội) cho hay: Ở vào trường hợp như trên, ngoài người điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự, thì người chủ sử dụng lao động cũng phải chịu trách nhiệm theo Điều 205 Bộ luật Hình sự về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ.
“Hành vi của anh Ngời xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật. Một là chủ quan khi sử dụng người lao động tuổi vị thành niên vào công việc đòi hỏi những tiêu chí để đảm bảo an toàn như lái xe. Đây cũng là bài học đắt giá cho chủ sử dụng lao động khi nhận người vào làm cũng như khi giao công việc cho họ” - LS Dũng nói.