khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 20/03/2012 - 09:10

Khát vọng cống hiến của thầy giáo “Nghìn việc tốt”

Bây giờ ông đã là người thành danh với các danh hiệu cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng: Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân. Ông còn được tôn vinh là cha đẻ phong trào Nghìn việc tốt của công tác Đội Thiếu niên trong cả nước. Đó là thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, quê Đình Bảng (Từ Sơn).

Ông còn là hội viên Hội VHNT Bắc Ninh kiêm phân hội trưởng Phân hội VHNT Từ Sơn. Đầu năm nay ông in tập thơ “Bình minh đến sớm” (Nhà xuất bản Văn hoá thông tin 1-2012) gồm những bài thơ ông viết ngay khi biết mắc bệnh phong và phải rời xa nhà trường, rời xa học sinh, rời xa công tác đội để đi chữa bệnh tại bệnh viện phong Quỳnh Lập (Nghệ An). Khi ấy ông đang tuổi tráng niên, mới 39 tuổi.

Mắc chứng bệnh xã hội đang bị coi là hiểm nghèo này nhiều người đã mất niềm tin cuộc sống, sống đấy mà coi như đã chết. Nhưng với thầy giáo Nguyễn Đức Thìn thì tình yêu cuộc sống, khát vọng cống hiến vẫn tràn đầy và ông luôn lạc quan sống trong những tháng ngày chạy chữa dài như vô vọng. Niềm tin yêu cuộc sống được ông đưa vào thơ, những vần thơ mộc mạc, giản dị và chân thành tự nhiên.

Trước hết là bút danh của ông: Nhiệt Cảm Sinh. Có thể hiểu là người nóng bỏng tình yêu cuộc sống. Nhưng là bút danh nhà thơ nên ta còn ngầm hiểu ông là người đối lập, người khác biệt cách nhìn nhận cuộc sống với nhà thơ lớp trước Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử thơ hơn nhưng tình yêu cuộc sống, niềm lạc quan sống nhất định không bằng. Lạnh đến chết, lạnh như chết khác hẳn nóng bỏng tình yêu cuộc sống.

Từ cái bút danh này đã phả chân thành tình yêu cuộc sống vào thơ. Thơ viết hằng ngày như ghi nhật kí những sự kiện đáng nhớ, những cảm xúc đáng nhớ. Ngay từ khi đi khám biết mắc bệnh ông đã bình tĩnh tự tin thế này:

Cuộc đời yêu nó nó xinh

Tình yêu vẫn đẹp do mình chăm vun

Bạn ơi hãy vững niềm tin

Yên tâm điều trị mùa xuân sẽ về

(Nói với đồng nghiệp)

Chia tay nhà trường đi điều trị không biết khi nào về ông viết:

Thân dẫu mang bệnh hiểm

Vẫn gắng vượt đường xa

Đã say nghìn việc tốt

Đời vẫn nở rừng hoa

(Đời vẫn rộn tiếng ca)

Chia tay Liên đội Nghìn việc tốt ta thấy việc tốt ở cả hai phía: đội viên và thầy giáo. Các em làm kế hoạch nhỏ được 100 đồng biếu thầy để mong bệnh mau lành, thầy nhận nhưng lại tặng cho Liên đội để mau có con tàu Thống Nhất. Các em “Thương nhất thầy Thìn” thì thầy Thìn cũng “Thương nhất các đồng chí và các em yêu”. Và thầy trò cùng hát bài ca có câu “Bất cứ ở nơi nào/Bất cứ hoàn cảnh nào/Nghìn việc tốt vẫn nở hoa” (Ai cũng thương nhất).

Đến nơi điều trị gặp bạn đồng bệnh, muôn hình vạn trạng những thân thể méo mó, người cũ gọi bệnh viện là “nhà tù Han xen” nhưng với người bệnh mới thì khác:

Ở Quỳnh Lập cuộc đời không chấm hết

Chỉ có dấu phẩy để sang trang

Trang đời vui cho người cao nghị lực

Trang phế tàn cho người kém vươn lên

(Quỳnh Lập)

Ông vừa chữa bệnh vừa tranh thủ học thêm, đọc thêm. Ông còn mang máy ảnh chụp kỉ niệm động viên bạn bệnh. Ông trồng hoa, trồng cây và ông mở trường dạy bọn trẻ vì tương lai đất nước. Nhà trường là ngọn đuốc sáng soi đường cho lớp trẻ nên trường mang tên ngọn đuốc sống Lê Văn Tám. Ngày khai trường là ngày trọng đại với người bệnh nơi đây. Ông viết:

Để giành lấy tự do nhân phẩm

Ngọn lửa tim người bùng lên

Ngời sáng

Niềm tin yêu con người và cuộc sống

(Khai trường Lê Văn Tám)

Với người bệnh thiếu niềm tin thì thời gian thừa, dài vô tận, còn với ông thì lại luôn thấy thiếu thời gian làm việc và luôntự nhủ “Phải biết quý thời gian”. Ông làm việc say mê, từ việc bắt sâu cho cây đến việc dạy học và động viên bạn bệnh. Say đời nên say thơ. Tâm hồn thơ luôn tràn đầy. Ông làm thơ và tâm sự thơ với thi sĩ Hàn Mặc Tử, người cũng mắc chứng bệnh phong hiểm nghèo. Không phải một lần mà là nhiều lần. Mở đầu tập thơ ông đã viết: “Đời có Hàn Mặc Tử/Đời có Nhiệt Cảm Sinh”. Lần đầu tâm sự với Hàn Mặc Tử:

Tên anh lạnh lẽo cô đơn

Tôi nhớ miên man Hàn Mặc Tử

Tôi sẽ cứ tên mình đề rõ

Thêm bút danh là Nhiệt Cảm Sinh

(Tâm sự với Hàn Mặc Tử)

Năm sau ông lại “gặp anh Hàn Mặc Tử” qua tác phẩm:

Đọc thơ anh một tấm lòng

Giục tôi thắng bệnh tiến công làm người

(Gặp anh Hàn Mặc Tử)

Quả vậy, khi đã thắng bệnh làm người bình thường ông lại có bài “Thơ gửi Hàn Mặc Tử” và cũng là bài kết thúc tập thơ:

Bảy mươi năm ở cõi vĩnh hằng

Hàn Mặc Tử không chết

Bảy mươi năm ở chốn dương gian

Nhiệt Cảm Sinh sống ước mơ hành động

(Thơ gửi Hàn Mặc Tử)

Về với đời thường thầy giáo “Nghìn việc tốt” luôn làm gương nghìn việc tốt dù ở vào hoàn cảnh hiểm nghèo nhất và đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động. Nhưng ông về nhà vẫn chỉ là người giản dị, khát khao cống hiến khát khao hành động. Ông trở thành ông từ đền Đô giới thiệu di tích đế vương nhà Lý, vương triều khẳng định vị thế dân tộc, vị thế quốc gia trên bản đồ thế giới từ nghìn năm trước. Ông đi nói chuyện truyền thống phong trào nghìn việc tốt ở các nhà trường. Và viết sách. Cuốn “Chuyện cuộc đời” của ông được Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản tới 5 lần. Cuốn “Chuyện kể ở đền Đô” viết chung với tôi cũng được tái bản nhiều lần. Câu lạc bộ thơ đền Đô ông là nòng cốt. Nhà sách đền Đô cũng do ông khởi xướng để lưu giữ sách báo viết về đền Đô. Khát khao cống hiến và được cống hiến, ông luôn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng dù sống giữa đời thường.

Phạm Thuận Thành
Top