khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 22/10/2012 - 09:01

Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thời gian qua, việc tiêm phòng vaccin cúm H5N1 cho đàn gia cầm bị gián đoạn do vaccine hiện đang sử dụng không còn phù hợp với sự biến đổi chủng gen của virut cúm. Thời tiết cũng đang có sự dao động mạnh mẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia cầm.

Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm phục vụ nhu cầu dịp cuối năm của người dân diễn ra ngày càng sôi động đã khiến cho nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là dịch cúm tăng cao, đòi hỏi người chăn nuôi cần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 2 đợt dịch cúm gia cầm, trong đó đợt một kéo dài từ tháng 2 đến tháng 3, đợt hai kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9, làm chết, buộc phải tiêu hủy 8.922 con gia cầm các loại ở 21 hộ gia đình, thuộc 14 thôn, 14 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã, thành phố.
 

Nhân viên Phòng Chẩn đoán dịch tễ (Chi cục Thú y tỉnh) xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tìm nguyên nhân gây bệnh cho đàn gia cầm.

 

Theo ông Nguyễn Nhân Lừng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, nguyên nhân khiến dịch cúm gia cầm vẫn thường xuyên bùng phát, gây thiệt hại cho người chăn nuôi là do việc tiêm phòng vaccin cúm H5N1 bị gián đoạn (Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh mới chỉ tiêm khoảng 1,5 triệu liều, trong khi các năm trước đây thường từ 7-8 triệu liều) nên tỷ lệ bảo hộ phòng dịch của đàn gia cầm hiện nay xuống mức rất thấp.

Mặt khác, virut cúm lại đang có sự biến đổi chủng gen (Từ chủng A sang chủng B, chủng C) do vậy hiệu lực của vaccin tiêm phòng hiện đang sử dụng là Re5 đạt được không cao. Thời gian tới, thời tiết tiếp tục có sự biến đổi, nhiệt độ xuống thấp, khiến cho sức đề kháng dịch, bệnh của đàn gia cầm giảm. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm trong những tháng cuối năm của người dân tăng cao…

Để bảo đảm an toàn cho đàn gia cầm, lực lượng chuyên ngành Thú y, người chăn nuôi cần tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực tiễn phòng, chống dịch tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, mặc dù virut cúm đã có sự biến đổi từ chủng A sang chủng B, chủng C nhưng vaccin tiêm phòng Re5 hiện đang sử dụng vẫn phát huy hiệu quả bảo hộ dịch với hiệu giá kháng thể từ 8-9 log2, cao hơn 4-5 log2 so mức được bảo hộ, do vậy người chăn nuôi vẫn cần tuân thủ đúng thời gian, tiêm phòng đầy đủ số liều vaccin cúm cho đàn gia cầm.

Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ tất cả các yếu tố như: Giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xuất, nhập… để hạn chế các tác nhân gây bệnh xâm nhập, gây hại cho đàn gia cầm. Định kỳ hàng tuần, phải tiến hành vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc, diệt trừ tất cả các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, các chủ trang trại, người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch, bệnh, phát hiện gia cầm ốm, chết phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời. Những cơ sở, hộ chăn nuôi không chấp hành hướng dẫn của chuyên ngành thú y, không thực hiện tiêm phòng cho đàn gia cầm, khi có dịch bệnh xảy ra sẽ không được hỗ trợ theo quy định.

Bảo đảm an toàn dịch, bệnh cho đàn gia cầm thời điểm từ nay đến cuối năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kết quả sản xuất của ngành chăn nuôi. Điều này đòi hỏi sự chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch của chuyên ngành thú y, chính quyền các cấp, các chủ trang trại và tất cả hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn
Top