Trong ký ức những bậc cao niên thôn Bùi Xá, mỗi độ tháng 8 âm lịch, già tre, gái, trai khắp nơi lại nô nức đổ về bãi điếm giữa làng để trảy hội trống quân. Lễ hội có khi kéo dài cả tháng với những canh hát thâu đêm. Theo lời các cụ, hát trống quân ở Bùi Xá đã có từ xa xưa, ngày còn nhỏ đã được nghe bố mẹ, anh chị hát rồi hát theo.
Gọi là hát trống quân bởi lẽ khi hát người ta phải dùng trống đất để giữ nhịp. Xưa kia, trống đất được làm bằng hai cọc tre cao khoảng 1 mét và một sợi dây thừng gác ngang, giữa sợi dây buộc một thanh tre vuông góc, một đầu chống lên miếng ván mỏng đặt hờ trên một hố đất có bán kính bằng miệng chum, bên trong đổ đầy vỏ ốc. Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào phần dây nơi đặt đầu cọc vừa để làm nhịp “lưu không”, vừa để thúc giục phe bên kia họa lại.
Hai cụ Lê Thị Mão, Lê Thị Trạc ôn lại những bài hát trống quân cổ.
Hát trống quân không cầu kỳ, như quan họ, mà thường nôm na theo kiểu ngẫu hứng ứng tác, cứ thơ lục bát là hát được. Cụ Lê Thị Mão, Lê Thị Trạc đã ngoài 80 tuổi tiếc nuối: “Mỗi đám hát trống quân ngày xưa trai gái mê mải lắm. Một bên hát trước rồi bên kia họa lại. Hát tới khi không họa được mới gọi là thua. Hát thâu đêm tới sáng đi làm ngoài đồng vẫn râm ran tiếng hát”.
Không khí sôi nổi của những đêm hội trống quân đó giờ chỉ còn là hoài niệm. Lớp nghệ nhân cao tuổi như cụ Mão, cụ Trạc ở làng Bùi Xá nay còn khoảng hơn chục người. Trong đó đa số các cụ đã già yếu, không đủ sức khỏe để hát. Thế hệ kế cận cũng đã ngoài 50, phần lớn đang sinh hoạt ở đội văn nghệ thôn. Dù bận công việc gia đình, làm ăn kinh tế nhưng với quyết tâm gìn giữ làn điệu quê hương, gần 20 thành viên trong đội văn nghệ thôn vẫn dành thời gian để tập hát đều đặn.
Bà Lê Thị Trí, 55 tuổi, Phó Chủ nhiệm đội văn nghệ thôn Bùi Xá cho biết: “Chúng tôi thường tìm đến các cụ cao tuổi trong làng để nghe và ghi chép lại những lời hát cổ. Đến nay đã sưu tầm được khoảng hơn 60 bài. Nhiều bài đã được đội tập luyện tham dự hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh đạt giải cao.”
Truyền dạy hát trống quân cho thế hệ sau.
Có thể thấy hát trống quân vẫn có một sức sống nhất định trong đời sống của người dân Bùi Xá. Dù vậy, việc truyền dạy loại hình nghệ thật này lại đang gặp phải nhiều khó khăn. Vài năm trước, một lớp học trống quân đã từng được mở ra cho thế hệ măng non trong làng. Các em theo học khá đông và cũng rất yêu thích nhưng không duy trì được lâu bởi nhiều lý do. Bà Trí tâm sự: “Các em giờ không mấy mặn mà với việc học hát. Thỉnh thoảng có chương trình văn nghệ hay hội diễn ở trường một số em cũng tìm đến tôi xin học để dựng thành tiết mục biểu diễn. Tuy nhiên chỉ được một hai bài rồi thôi”.
Nguyên nhân sâu sa của tình trạng trên theo bà Trí là do không có môi trường để thế hệ trẻ cảm thụ đầy đủ cái hay, cái đẹp của nghệ thuật hát trống quân. Đó cũng là điều dễ hiểu khi mà những đêm hội trống quân không còn. Các em chỉ có thể mường tượng về nó qua những tiết mục văn nghệ. Trong khi hát trống quân là loại hình diễn xướng theo kiểu đối đáp ở các lễ hội. Người ta không chỉ hát mà còn trao gửi tâm tư, tình cảm qua từng lời lẽ, cử chỉ đầy ý tình. Những thứ đó các em không thể nghe một hai bài, xem một hai tiết mục mà cảm nhận ngay được.
Bà Trí cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần muốn khôi phục lại hội hát trống quân. Dù không thể kéo dài hàng tháng như trước nhưng cũng phải được một đêm để thế hệ trẻ hiểu được không khí của một canh hát trống quân là như thế nào. Tuy nhiên vì điều kiện không cho phép nên đến giờ vẫn chưa thực hiện được.”
Cũng bởi những lẽ đó mà hát trống quân Bùi Xá nay chỉ còn được biết đến qua những tiết mục văn nghệ biểu diễn trên sân khấu. Ở đó không thể đào hố đất, căng dây, đóng cọc để làm trống đất, cũng không thể tập trung quá đông người để hát đối đáp với nhau như trước kia. Vì thế, thế hệ trẻ ở Bùi Xá sẽ chẳng thể hiểu được tại sao ông cha mình lại say mê lối hát này đến vậy. Và những người đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm như cụ Mão, cụ Trạc thì chỉ còn biết hoài niệm, nhớ về những đêm hội trống quân ngày xưa.