Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của khu vực kinh tế công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị sản xuất đạt trên 46.703,9 tỷ đồng chiếm khoảng 82,6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Đây cũng là con số đạt được cao nhất của lĩnh vực này trong 10 năm trở lại đây.
Kết quả trên có thể khẳng định sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước thông qua chính sách miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp và sự năng động của các doanh nghiệp (DN) thuộc khối công nghiệp này trong thời gian qua. DN đã tận dụng mọi nguồn lực để duy trì, thúc đẩy có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN đã tiếp tục đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đạt mức tăng trưởng cao. Tỷ suất đầu tư, cũng như tỷ suất lợi nhuận của khối công nghiệp này cũng cao hơn từ 2,2 đến 3 lần so với các dự án trong nước. Đặc biệt, giá trị tăng thêm của khối công nghiệp này đạt trên 10%, khoảng cách giữa giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm ngày càng được rút ngắn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người lao động trong các DN này có trình độ quản lý, khả năng làm việc tốt hơn, thích ứng nhanh trên dây chuyền công nghệ hiện đại nên giảm đáng kể chi phí, hạ giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh cao. Hệ thống trách nhiệm xã hội với người lao động được thực hiện một cách bài bản, tạo được sức hút, môi trường làm việc thuận lợi cũng như mức thu nhập của người lao động.
Từ những kinh nghiệm này mà nhiều DN đã vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ tổ chức, cơ cấu lại mô hình quản lý, tiếp tục mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, duy trì mức tăng trưởng từ 10-20%.
Điển hình cho khối kinh tế này là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Khu công nghiệp Yên Phong I là một điển hình. Là một DN chuyên sản xuất điện thoại di động phục vụ xuất khẩu, mặc dù năm 2012 thị trường sản phẩm tiêu thụ khá khó khăn vì gặp phải suy giảm kinh tế thế giới bởi thị trường tiêu thụ của Công ty là xuất khẩu sản phẩm đến 67 nước trên toàn thế giới nên đã phần nào bị tác động. Nhưng từ cuối năm 2011 và nhất là trong những tháng đầu năm 2012, Công ty đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất linh kiện LCD Module và Camera Module, với tổng vốn đầu tư là 192,7 triệu USD. Tổng vốn đầu tư của Công ty 6 tháng đầu 2012 đạt 684,7 triệu USD, vượt kế hoạch trước thời hạn 3 năm. Giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động. Nhờ vậy mà hiệu suất của các nhà máy đã đảm bảo công suất thiết kế nên hoạt động của Công ty đã đi vào ổn định.
Sản phẩm sản xuất ra trong 9 tháng đầu năm 2012 của Công ty đạt trên 81 triệu sản phẩm, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người lao động với thu nhập bình quân từ 2 đến 5 triệu đồng/tháng. Với tốc độ phát triển như hiện nay, hết năm 2012 Công ty phấn đấu vượt mục tiêu doanh thu xuất khẩu là 10 tỷ USD, doanh thu xuất khẩu lũy kế đạt gần 17,6 tỷ USD.
Hay như Công ty TNHH Việt Pacific Clothing (Võ Cường, thành phố Bắc Ninh), 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, đi vào hoạt động năm 2003, chuyên sản xuất gia công chế biến các mặt hàng may mặc cũng gặp hoàn cảnh khó khăn tương tự. Thế nhưng Công ty cũng đã lấy lại được đà sản xuất vào những tháng gần đây và phát triển sản phẩm tới nhiều thị trường khó tính như: Anh, Mỹ và các nước khác ở thị trường châu Âu 9 tháng doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng và sản xuất được trên 300 nghìn sản phẩm áo khoác dài các loại.
Theo ý kiến lãnh đạo Công ty “Điều quan trọng giúp thoát khỏi khủng hoảng đó chính là DN tự biết cứu lấy mình. Do đó, trong lúc khốn đốn nhất, Công ty vẫn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất để tranh thủ giá nguyên liệu đầu vào thấp và đợi thời cơ kinh tế phục hồi. Từ đầu năm đến nay, tuy nền kinh tế phục suy giảm song do chủ động nguồn nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm nên Công ty đã kịp thời lấy lại được thế thăng bằng và đáp ứng đầy đủ các đơn đặt hàng cho các đối tác trong một thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, kết quả đó còn phải kể đến những cố gắng của Chính phủ Việt Nam, các ngành chức trách và tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp giúp đỡ DN đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và cởi nhiều nút thắt trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu”.
Vượt qua khó khăn, đến nay lĩnh vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã “bắt nhịp” với sự tăng trưởng chung đối với nền kinh tế của tỉnh và đưa kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế này lên trên 8,2 triệu USD, tăng 2,86 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng trong quý IV-2012, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh sẽ còn phục hồi mạnh hơn, khi nền kinh tế ở các nước có công ty mẹ như Sin-ga-po, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc tăng trưởng trở lại.