Gia đình ông Trần Văn An thôn Chính Thượng xã Vạn Ninh trước đây chuyên chăn nuôi gà, có lứa gia đình nuôi tới gần 1.000 con, tuy nhiên do dịch bệnh thường xảy ra cùng với giá cả bấp bênh khiến chăn nuôi không có lãi. Được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông, từ đầu năm 2012, gia đình ông đã chuyển hẳn sang nuôi thỏ và chim bồ câu Pháp. Hiện trong chuồng nhà ông có 10 con thỏ mẹ đang sinh sản và 40 đôi chim bồ câu. Để thuận tiện trong chăm sóc và phòng bệnh, gia đình ông đã làm nhà lưới để nuôi chim. Vốn đầu tư ban đầu chỉ khoảng 10 triệu đồng, vừa làm chuồng vừa mua chim giống.
Nuôi thỏ sinh sản.
Hiện nay cứ 35 - 40 ngày là chim lại được bán 1 lứa theo giá thị trường, khoảng 100.000 đồng/đôi chim non. Mỗi tháng gia đình đã có nguồn thu trên dưới 5 triệu đồng từ tiền bán thỏ và chim bồ câu. Ông Trần Văn An cho biết so với nuôi gà, nuôi chim bồ câu hiệu quả hơn nhiều, ít phải phòng trừ dịch bệnh, đầu ra dễ dàng, mỗi lứa chim, trừ chi phí cũng có lãi khoảng 50%, gia đình có dự định sẽ phát triển đàn vật nuôi lên khoảng 100 đôi chim bồ câu và khoảng 20 con thỏ sinh sản”.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thuyên thôn Thọ Ninh, xã Vạn Ninh trước đây cũng chuyên nuôi vịt đẻ, nay chuyển sang nuôi thỏ. Hiện nay gia đình ông nuôi 13 cặp thỏ bố mẹ, giống Newzeland và thỏ đen-xám. Thỏ là loại gặm nhấm lại mắn đẻ, thức ăn do gia đình tự kiếm như rau muống, lá sắn dây, cây cà rốt sau khi thu hoạch và các loại rau xanh khác nên hầu như gia đình không phải chi phí tiền thức ăn.
Cứ khoảng 40 ngày lại được 1 lứa, mỗi lứa từ 6 đến 7 con, hiện gia đình chủ yếu là bán giống cho các hộ chăn nuôi trong vùng, với giá bán 60 ngàn đồng/con, nếu để bán thương phẩm thì nuôi thêm khoảng 1 tháng nữa khi đó bán sẽ có giá 80 ngàn đồng/kg. Do nhu cầu tiêu thụ lớn nên thỏ đẻ đến đâu là bán hết đến đó, hàng tháng gia đình ông cũng có thu nhập ổn định 3 triệu đồng.
Ông Thuyên cho biết “nuôi thỏ rất dễ, thức ăn lại sẵn có, chỉ chú ý giữ cho chồng trại sạch sẽ, khô ráo, không cho thỏ ăn cỏ bị nhiễm thuốc trừ sâu, cỏ dính trứng ốc bươu vàng, nếu thỏ bị đau bụng, tiêu chảy thì cho ăn cây rau dừa nước cũng sẽ khỏi”.
Vạn Ninh là xã thuần nông, ngoài sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng là nghề chính, thời kỳ cao điểm, toàn xã Vạn Ninh có 1.325 hộ chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm trên 22 ngàn con, tuy nhiên do dịch bệnh và giá cả bếp bênh nên số hộ chăn nuôi giảm mạnh. Đàn gia cầm hiện nay giảm còn 85% so với đầu năm. Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo của mình, một số hộ đã phát triển đàn vật nuôi mới như nuôi nhím, nuôi thỏ, hươu, chim bồ câu. Riêng chăn nuôi thỏ đã có 20 hộ, 8 hộ nuôi chim bồ câu.
Qua thực tế cho thấy đây là các con vật nuôi kháng bệnh tốt, khả năng sinh sản nhanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn. Trong khi đó vốn đầu tư ban đầu thấp, phù hợp với trình độ của người nông dân và tận dụng được thức ăn sẵn có, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Chính vì vậy, xã Vạn Ninh đang có chủ trương nhân rộng các mô hình này trên địa bàn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Ninh cho biết “Xã đã thực hiện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho các hộ chăn nuôi, thực hiện các giải pháp hỗ trợ về giống, vốn, đồng thời xây dựng các mô hình điểm để các hộ nông dân tham quan học tập kinh nghiệm”.
Việc phát triển các mô hình chăn nuôi con vật mới ở Vạn Ninh sẽ tạo sự đa dạng cho đàn vật nuôi, tránh được bất trắc do dịch bệnh gây ra. Đồng thời tận dụng được lợi thế từ nguồn nhân lực, nguồn thức ăn sẵn có, giúp các hộ nông dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.