Năm 2008, Hội Khuyến học của xã Tam Đa được thành lập và phát động “Tiếng trống khuyến học ban đêm” nhằm khơi dậy tinh thần học tập và rèn luyện thế hệ trẻ vùng quê. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, Đảng uỷ, chính quyền, các đoàn thể trong xã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài.
Các em học sinh trường THCS Tam Đa đọc sách báo tại phòng thư viện.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết: “Địa phương nằm ven sông Cầu tiếp giáp với huyện Việt Yên (Bắc Giang) đồng thời cũng là nơi trung chuyển giữa huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh, vì thế xưa kia mảnh đất này hoạt động giao thương buôn bán phát triển, người dân làm nhiều ngành nghề như đánh cá, sản xuất mì, men, nấu rượu... Ngày nay, khi các nghề phụ bị mai một, người dân Tam Đa tâm niệm rằng “Không đầu tư nào sánh bằng đầu tư cho giáo dục”.
Nhận thức sâu sắc “Sự nghiệp trồng người”, phong trào xây dựng Hội Khuyến học ở các thôn được quan tâm, phát huy có hiệu quả. Hằng năm, từ xã xuống thôn đều huy động sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và đóng góp của người dân xây dựng quỹ khuyến học nhằm khen thưởng và động viên kịp thời những học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập.
Năm 2012, xã Tam Đa có 86 em đỗ vào các trường đại học và cao đẳng (48 em đỗ đại học). Trong đó, thôn Đại Lâm là địa phương đi đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài với 21 em đỗ đại học nguyện vọng 1.
Tiêu biểu có em Nguyễn Thị Hiếu Hạnh là tấm gương nghèo vượt khó. Hạnh có hoàn cảnh éo le, mẹ bị tật nguyền bẩm sinh, hai mẹ con nương tựa vào nhau sống bằng nghề bán bánh rán, bánh mỳ rong, nhưng với ý chí quyết tâm, Hạnh đã đạt Thủ khoa khối A, ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Hà Nội với 25 điểm.
Bên cạnh việc thành lập Hội Khuyến học, phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học cũng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ở Tam Đa có 2500 hộ gia đình thì có 985 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học, đạt 41,4%, hơn 60 dòng họ có quỹ khuyến học. Tiêu biểu như dòng họ Nguyễn, họ Trần ở thôn Đại Lâm, dòng họ Trần Thọ, Hoàng Đắc thôn Phấn Động... Công tác khuyến học, khuyến tài đã dần trở thành việc chung của nhân dân địa phương. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Tam Đa đã và đang nâng cánh ước mơ và khát vọng cho thế hệ miền quê, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nông thôn mới của địa phương.