Khi thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp được hưởng phí đấu giá theo quy định của Bộ Tài chính hoặc HĐND cấp tỉnh; còn khi Hội đồng bán thì không được hưởng khoản phí này mà chỉ được thanh toán các chi phí liên quan đến cuộc bán đấu giá. Cơ chế này hết sức rõ ràng, tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức có đủ điều kiện được tham gia cung cấp dịch vụ bán đấu giá và được hưởng phí đấu giá do việc cung cấp dịch vụ mang lại; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì kiểm soát được quá trình bán đấu giá thông qua công tác giám sát và các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng bán đấu giá.
Đây là kết quả của quá trình xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản xuất phát từ Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản với việc hình thành các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, đối với cơ chế xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước thì chưa được như vậy. Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sau khi có quyết định tịch thu, cơ quan của người ra quyết định tịch thu chuyển thẳng sang cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện để bán (tùy thuộc vào thẩm quyền của người ra quyết định tịch thu).
Theo phương thức này thì việc bán đấu giá của Trung tâm và Hội đồng là thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, không phải là hình thức thuê dịch vụ như những tài sản khác (Nghị định số 17/2010/NĐ-CP cũng quy định không phải ký hợp đồng bán đấu giá như các tài sản khi chuyển giao cho Trung tâm hoặc doanh nghiệp bán đấu giá); doanh nghiệp bán đấu giá tài sản không được tham gia vào việc bán đấu giá loại tài sản này. Nghị định 17/2010/NĐ-CP cũng quy định rõ việc trả phí đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và hợp đồng bán đấu giá tài sản.
Một số Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cho rằng cần phải trả phí cho Trung tâm, song điều này chưa thể thực hiện được. Một khó khăn nữa khi thực hiện theo cơ chế hiện hành là không có đầu mối để tổng hợp toàn bộ việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (như các loại tài sản khác) do cơ quan nào ra quyết định tịch thu thì cơ quan đó cứ chuyển giao. Việc chuyển giao này cũng sẽ gặp khó khăn khi các Trung tâm bán đấu giá tài sản chuyển thành doanh nghiệp bán đấu giá theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
Muốn giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên thì cần phải giải quyết từ cái gốc là Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Hy vọng trong Luật xử lý vi phạm hành chính sắp tới sẽ làm rõ nội dung này theo cơ chế chung áp dụng với các tài sản nhà nước khác.