khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 10/04/2012 - 08:10

An toàn giao thông-vẫn cần những giải pháp mạnh

Thời gian qua, Bắc Ninh đã tỏ thái độ kiên quyết trong chỉ đạo việc kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT). Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ, trật tự ATGT toàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Mặc dù 3 tháng đầu năm, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so cùng kỳ năm 2011, nhưng tính bền vững chưa cao. Phóng viên (PV) Báo Bắc Ninh đã phỏng vấn ông Vương Hữu Truyền, Giám đốc Sở GT-VT; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh về vấn đề này.

 
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý trên các tuyến đường

PV: Ông có thể đánh giá tình hình trật tự ATGT của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm ATGT-2012 ?

Ông Vương Hữu Truyền: Công tác bảo đảm trật tự ATGT trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh nói chung đã được sự quan tâm chỉ đạo khá tích cực từ Tỉnh đến các cấp ủy đảng và chính quyền ở địa phương, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể và  sự tham gia có hiệu quả của cả cộng đồng. Vì vậy đã kiềm chế và nhiều năm giảm được TNGT trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Ý thức chấp hành Luật Giao thông của nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là năm 2011 công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tốt: TNGT giảm được cả 3 tiêu chí và là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện mục tiêu giảm TNGT. Riêng 3 tháng đầu năm 2012 chỉ xảy ra 25 vụ giảm 11 vụ, giảm 5 người chết và giảm 12 người bị thương so với cùng kỳ năm 2011.

Đây là kết quả triển khai thực hiện một cách tích cực, có hiệu quả các giải pháp đã đề ra từ việc tăng cường công tác chỉ đạo, công tác tuyên truyền, các hoạt động kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm và việc đầu tư cải thiện kết cầu hạ tầng giao thông cùng sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương.

Tuy nhiên công tác ATGT của Bắc Ninh vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn: số vụ tai nạn vẫn còn cao, số người chết vẫn nhiều và đặc biệt là tính bền vững trong việc thực hiện các mục tiêu về giảm TNGT vẫn chưa có cơ sở để khẳng định vì TNGT không phải bao giờ tháng sau cũng giảm hơn tháng trước. Sự quan tâm của cộng đồng vẫn chưa mang tính tự giác và chưa đi vào nền nếp, người vi phạm giao thông vẫn tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi thanh niên: Vi phạm tốc độ, chở quá tải, quá số người  quy định, đi hàng ngang, lấn chiếm hành lang đường...vẫn còn phổ biến. Vai trò và hiệu lực công tác quản lý Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế do việc kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên hoặc chưa có những biện pháp mang tính đột phá.

PV: Thưa ông, để đạt  mục tiêu về giảm TNGT  năm 2012 thì nhiệm vụ đột phá là gi?

Ông Vương Hữu Truyền: Mọi người khi tham gia giao thông vẫn chưa tự giác chấp hành Luật Giao thông và đặc biệt là khi TNGT vẫn chưa được đẩy lùi, hoặc kết quả kém bền vững thì các giải pháp chúng ta đặt ra vẫn chưa thể nói là có sự đột phá.

Tuy nhiên với những bài học rút ra từ thực tiễn thì hiện nay chúng ta phải cùng lúc áp dụng nhiều giải pháp vừa kiên quyết, vừa mang tính giáo dục, ren đe nhằm từng bước để cộng đồng cùng vào cuộc với thái độ có trách nhiệm đó mới là vấn đề cốt lõi. Về phía Trung ương từ Bộ chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều đã có thái độ chỉ đạo tích cực, lấy năm 2012 là năm ATGT và đặt mục tiêu phải giảm TNGT theo hướng năm sau phải giảm hơn năm trước để xã hội không phải chứng kiến mỗi năm cả nước có tới hơn một chục nghìn người chết, hơn chục nghìn người bị thương, tại Bắc Ninh mỗi năm cũng lên tới 100-150  người chết vì TNGT. Đây thực sự là những con số chưa thể chấp nhận được.

Năm 2012, trước hết phải để mọi cấp mọi ngành và mọi người cùng vào cuộc vì mục tiêu giảm TNGT trên địa bàn, đây cũng là hướng chỉ đạo ở tỉnh ta  năm 2012. Các hoạt động như tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục vận động mọi người chấp hành Luật Giao thông, tăng cường chế tài, đầu tư củng cố hạ tầng, tổ chức lại giao thông hợp lý hơn....chúng ta vẫn đang làm và đang được các cơ quan các địa phương quan tâm. Tuy nhiên bên cạnh đó thì vai trò của các cơ quan Nhà nước ở các cấp đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu từ Chủ tịch UBND các địa phương, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị vẫn chưa được làm rõ nên hiệu quả và vai trò của công tác lãnh đạo còn rất hạn chế, đôi khi có biểu hiện chống chế, thiếu kiên quyết và đồng bộ. Do đó tình hình ít được cải thiện, nhất là công tác quản lý hành lang ATGT, quản lý các bến khách ngang sông, bảo vệ các công trình giao thông... Vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng  phối hợp tham mưu xây dựng quy định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo đảm trật tự ATGT  để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và người đứng đầu nói riêng  trong công tác này. Nếu việc này được làm tốt thì công tác bảo đảm  trật tự ATGT chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn.

PV: Theo ông giải pháp nào được xem là hữu hiệu nhất đưa công tác bảo đảm trật tự ATGT vào nền nếp?

Ông Vương Hữu Truyền: Trước mắt phải kiên trì công tác giáo dục, tuyên truyền kết hợp với việc tăng cường và duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, xử lý và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với những thiết chế mạnh và chặt chẽ hơn. Đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT sẽ có tác động tích cực tới ý thức của người tham gia giao thông tạo dần thói quen theo hướng tự giác chấp hành Luật Giao thông trong mỗi người và từ ngay trong thế hệ trẻ.

Để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu TNGT, một trong những giải pháp quan trọng mà Ban ATGT tỉnh đề ra, đó là tiếp tục tập trung hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho mọi người dân. Ban ATGT tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về văn hóa giao thông, Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, cho các lứa tuổi trên địa bàn quản lý với nhiều hình thức, nội dung phù hợp để văn hóa giao thông đi vào cuộc sống.

Tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức của học sinh về thực hiện nếp sống văn hóa trong giao thông như nghiêm túc chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, xóa bỏ tác phong tùy tiện khi tham gia giao thông...phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc tổ chức các hoạt động tham gia giữ gìn trật tự ATGT.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. 

Vũ Thắng (Thực hiện)
Top