Phóng viên: Khi được giao làm quản lý, quan điểm về đổi mới giáo dục của ông là gì?
NGND Nguyễn Tiến Chấn: Tôi quan niệm đã là Hiệu trưởng thì phải có kiến thức toàn diện, nghĩa là giỏi 1 môn và biết nhiều môn. Được bổ nhiệm Hiệu phó phụ trách (khi mới 29 tuổi), tôi đặt mục tiêu trong 3 năm phải đọc và hiểu căn bản giáo trình tất cả các môn học. Trọng tâm là các môn xã hội (vì tôi là giáo viên Toán), đặc biệt 2 môn Văn, Sử. Như vậy mới có thể quản lý tốt đội ngũ. Tôi thực hiện được mục tiêu đó trong 3 năm. Trong 3 năm đó, tôi thường xuyên dự giờ đồng nghiệp, góp ý chân thành cho các đồng nghiệp ở tất cả các môn học.
Phóng viên: Ông suy nghĩ thế nào khi gần đây người ta hay nhắc đến cụm từ “Dạy thật, học thật, thi thật ”nhằm hạn chế căn bệnh thành tích?
NGND Nguyễn Tiến Chấn: Đúng! Việc “dạy thật, học thật, thi thật” chúng tôi đã thực hiện từ nửa thế kỷ trước. Tôi xin dẫn chứng ngắn gọn, thời tôi làm Hiệu trưởng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường thường dưới 90%, duy có 1 năm đỗ 100%. Tuy nhiên tỷ lệ đỗ Đại học, bằng chứng sát thực nhất về vấn đề “Dạy thật, học thật, thi thật”, thì trường cấp III Thuận Thành không thua kém các cơ sở khác thường xếp thứ 2-3 toàn Hà Bắc.
Đầu những năm 1960, miền Bắc có các phong trào thi đua lớn như: “Sóng duyên hải”, “Gió đại phong”, “Cờ ba nhất” và “Tiếng trống Bắc Lý”… Trong đó, “Tiếng trống Bắc Lý”, chính là trường cấp II Bắc Lý (huyện Lý Nhân, Hà Nam) nơi khởi nguồn phong trào thi đua “2 tốt” lan tỏa ra toàn miền Bắc. Tôi nhớ rõ bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh khi đề cập đến những bài học kinh nghiệm đầu tiên của Bộ GD-ĐT về phong trào thi đua “2 tốt” (dạy thật tốt, học thật tốt - Từ nguyên văn của Bác Hồ) là: Muốn xây dựng ngôi trường tốt, phải có đội ngũ giáo viên đoàn kết nhất trí, hết lòng vì học sinh thân yêu. Trong đó Hiệu trưởng phải là chim đầu đàn… Triết lý sâu xa của “2 tốt” là muốn tạo sự bền vững trong phát triển giáo dục thì phải “Dạy thật, học thật, thi thật”. Tôi học hỏi được rất nhiều từ bài học kinh nghiệm đầu tiên quý báu đó. Bởi vậy sau này mấy chục năm làm Hiệu trưởng, tôi luôn kiên trì mục tiêu “Dạy thật, học thật, thi thật”.
Phóng viên: Trong những năm đất nước khó khăn nhất, ông đã hoàn thành một đề tài khoa học có tính ứng dụng rất cao?
NGND Nguyễn Tiến Chấn: Sau giải phóng miền
Năm 1986, Bộ GD-ĐT mở hội nghị “Giáo dục và hướng nghiệp”, tôi được mời tham gia báo cáo điển hình. Tham luận của tôi được vị khách mời đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đánh giá rất cao. Đại tướng còn cử thư ký về tận huyện và trường tìm hiểu hiệu quả đề án “Sử dụng hợp lý học sinh cấp III sau khi ra trường ở địa bàn nông thôn” của tôi. Tháng 4-1987, trường cấp III Thuận Thành kỷ niệm 25 năm thành lập, tôi gửi giấy mời và được Đại tướng về tận trường chúc mừng. Trong bài phát biểu, tôi nói: “Kính thưa thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…”, Đại tướng nghe vậy vui lắm, bởi ông vốn xuất thân là thầy giáo dạy Sử, nhưng thời cuộc đã biến ông thành một vị tướng nổi danh toàn thế giới. Mấy chục năm xông pha trận mạc, vai trò người thầy giáo của Đại tướng không được nhắc đến, thay vào đó là hình ảnh vị Tổng tư lệnh, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nay về Thuận Thành được nghe lại 2 từ “Thầy giáo” dành cho mình, Đại tướng rất xúc động…
Theo ý nguyện toàn trường, tôi đề nghị suy tôn Đại tướng là “Người thầy giáo danh dự” của trường, Đại tướng rất vui, vỗ tay và nhận lời ngay.
Phóng viên: Quan điểm chỉ đạo của Đảng “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta…”, ý kiến của ông về vấn đề này?
NGND Nguyễn Tiến Chấn: Giáo dục nước ta đang mắc phải căn bệnh trầm kha khó chữa, đó là bệnh thành tích. Tôi rất phản đối việc giao chỉ tiêu thi đua cho các cơ sở giáo dục hiện nay (như chỉ tiêu thi đỗ tốt nghiệp THPT, chỉ tiêu học sinh giỏi, chỉ tiêu học sinh lên lớp…), để rồi bằng mọi cách phải phấn đấu đạt được, để tô hồng kết quả. Cũng vì bệnh thành tích nên giáo dục hiện nay có tình trạng thầy sợ trò, không dám để học trò lưu ban vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu phấn đấu. Vì vậy đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục là cần thiết.
Phóng viên: Được biết đầu những năm 1980, ông đã hiến kế cho Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Bắc phương pháp kiểm tra rất độc đáo?
NGND Nguyễn Tiến Chấn: Khi mới nhậm chức Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Bắc, đồng chí Ngô Văn Luật (sau là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) có về trường và chủ động hỏi tôi kinh nghiệm kiểm tra các cơ sở giáo dục. Tôi nói rằng, để tránh bệnh hình thức thì việc kiểm tra nên tiến hành… ngược những gì vẫn làm. Cụ thể muốn kiểm tra 1 cơ sở giáo dục, thì sát ngày về Sở GD-ĐT mới thông báo cho họ biết. Về đến nơi, hãy khoan chè nước dông dài mà nên thăm quan trường, lớp rồi dự giờ luôn. Mà phải dự giờ của ít nhất 3 giáo viên mà trường sở tại đánh giá là tốt, trung bình và kém. Còn thời gian sẽ tiếp xúc với phụ huynh, học sinh để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Làm như vậy chắc chắn các cơ sở không thể có thời gian để báo cáo theo kiểu… chuẩn bị sẵn. Từ thực tế kiểm tra, đoàn rút ra những kinh nghiệm và hạn chế. Kinh nghiệm thì biểu dương, hạn chế thì phải chỉ rõ và yêu cầu cơ sở có giải pháp khắc phục… Tôi học được điều này từ Bác, bởi đây cũng chính là cách mà khi đi cơ sở Bác Hồ vẫn thường làm. Đồng chí tân Giám đốc Sở rất tâm đắc và đã vận dụng khá hiệu quả vào công việc quản lý của mình.
Phóng viên: Vậy theo ông, làm thế nào để “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta” hiện nay?
NGND Nguyễn Tiến Chấn: Đây là vấn đề lớn mang tính chiến lược nên cần thời gian và trí tuệ tập thể của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đầu ngành cả nước. Riêng tôi, từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng cứ phải bám vào phong trào thi đua “2 tốt” (dạy thật tốt, học thật tốt) như lời Bác dạy sẽ thành công. Mà gốc rễ của “2 tốt” chính là dạy thật, học thật, thi thật. Tôi rất tự hào vì những kinh nghiệm quản lý giáo dục của bản thân tại trường cấp III Thuận Thành vẫn được các đồng nghiệp đi sau kế thừa và phát huy. Họ vẫn trân trọng mời tôi “cố vấn” cho chiến lược phát triển của nhà trường. Đặc biệt, tôi vô cùng sung sướng vì trường cấp III Thuận Thành, nay là trường THPT Thuận Thành 1 sau hơn nửa thế kỷ vẫn là cơ sở giáo dục uy tín khối THPT của tỉnh và vẫn luôn vững vàng trong tốp các trường THPT chất lượng cao toàn quốc.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn NGND Nguyễn Tiến Chấn!