khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 15/11/2012 - 08:42

Huy động mọi nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh

Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều khiến khả năng sử dụng vốn của các thành phần kinh tế còn hạn chế. Để tháo gỡ khó khăn về vốn, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi hướng tới những khách hàng uy tín, có dự án khả thi, bảo đảm vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.

Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề ra mục tiêu dư nợ cho vay toàn ngành đạt 28.580 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2011. Các ngân hàng đã chú trọng công tác huy động vốn, tạo nguồn giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp (DN) và các hộ sản xuất kinh doanh (SXKD). Cùng với việc hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm, trong những tháng cuối năm, hầu hết các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn, giảm lãi giúp DN phục hồi sản xuất, có nguồn thu để trả nợ. Hiện tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành đạt 24.340 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2011. Tổng dư nợ cho vay đạt 28.121 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2011. Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh đạt 25.309 tỷ, chiếm tỷ trọng 90% tổng dư nợ. Lãi suất cho vay dưới 15% chiếm 76,8% tổng dư nợ.

Công ty TNHH Kibaco, KCN Quế Võ là một trong những DN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Ninh là một trong những ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiên phong hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/ năm. Hạ lãi suất xuống 12% đối với các khách hàng thuộc 4 lĩnh vực như: Nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và hộ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, BIDV Bắc Ninh đã xây dựng đề án tái cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi suất tới 20% cho khách hàng trả hết gốc và không phạt tiền lãi quá hạn. Đồng thời giảm lãi suất xuống 9% cho doanh nghiệp đặc biệt khó khăn để khôi phục, ổn định sản xuất.
Còn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Bắc Ninh, lãi suất ngắn hạn các món vay giải ngân mới cơ bản là 12%/năm, thấp hơn trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu; Giải ngân 200 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 9,5%/năm cho các khách hàng có dự án khả thi cao thuộc 4 nhóm đối tượng (Nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và hộ sản xuất kinh doanh). Đến hết tháng 10, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại Chi nhánh đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng 1,4% so với đầu năm 2012.
Cùng với Ngân hàng Thương mại Nhà nước các Ngân hàng TMCP cũng hạ lãi suất, hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình Chi nhánh Bắc Ninh thì thời điểm hiện nay, hầu hết các khoản vay cũ hạ xuống còn 15%/năm. Các món giải ngân mới phục vụ sản xuất, kinh doanh có lãi suất bình quân 14,5%/năm.
Những động thái tích cực từ phía các ngân hàng bước đầu có hiệu ứng tốt đến tình hình SXKD của DN, hộ gia đình, cá nhân. Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Kibaco (KCN Quế Võ) cho biết: “Năm trước, chúng tôi phải vay vốn với lãi suất có thời điểm lên tới gần 20%/ năm, nhưng nay được tiếp cận lãi suất ưu đãi 12%/năm dành cho khách hàng xuất khẩu. Lãi suất hạ tạo thuận lợi cho DN trong tiêu thụ sản phẩm, đưa ra mức giá cạnh tranh khi thực hiện các đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm”. Còn anh Ngô Thế Trung, khu đô thị mới thị trấn Chờ, Yên Phong đã tiếp cận được 600 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng ABBank Bắc Ninh qua Phòng giao dịch tại Yên Phong để đầu tư mua khoai tây giống tới vụ bán cho nông dân trong huyện. Với công nghệ bảo quản đảm bảo và kiến thức của một kỹ sư nông nghiệp về giống cây trồng, hàng năm, anh Ngô Thế Trung đã cung ứng cho nông dân trong huyện hơn 120 tấn khoai tây giống. Có được giống tốt giúp nông dân hứng thú hơn với việc mở rộng diện tích trồng khoai tây vụ đông ở địa phương mình.
Để nguồn vốn tiếp tục đáp ứng có hiệu quả cho sản xuất kinh doanh, dịp cuối năm các ngân hàng cần chủ động tiếp cận, nắm bắt nhu cầu vay vốn, tư vấn cho DN, người dân sử dụng vốn hiệu quả, phối hợp với khách hàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục vay vốn. Đồng thời tăng cường huy động vốn, điều chỉnh cơ cấu đầu tư tín dụng phù hợp theo hướng an toàn, bền vững. Tích cực tiếp cận, lựa chọn các dự án khả thi, có hiệu quả để mở rộng cho vay, đổi mới các phương pháp và biện pháp đầu tư tín dụng.

Bài, ảnh: Hà Linh
Top