Trên cánh đồng lúa thôn Phán Lâm, xã Bằng An (Quế Võ), bà con nông dân đang tích cực tỉa giặm, bón phân, làm cỏ, bơm nước, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân. Chị Nguyễn Thị Nga cho biết: “Vụ xuân này, gia đình tôi cấy 8 sào lúa, trong đó có 3 sào lúa lai. Do rét đậm kéo dài nên lúa sinh trưởng chậm so với các năm trước. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, tôi làm cỏ, bón thúc ngay với lượng phân bón nhiều hơn so với các vụ trước để lúa phát triển tốt”.
Tại các địa phương khác của huyện Quế Võ, nông dân cũng đang tập trung chăm sóc các trà lúa xuân bảo đảm cho lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Bảng, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện được biết, vụ xuân này, Quế Võ gieo cấy 7.100 ha lúa, đạt 100% kế hoạch. Hiện lúa xuân trên địa bàn đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đây là giai đoạn có ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, do đó, Phòng Nông nghiệp & PTNT cùng với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Bảo vệ thực vật huyện đang tích cực hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc như: Bón phân tập trung ngay, chú ý tỉa giặm bổ sung, tăng cường làm cỏ sục bùn, tránh nghẹt rễ cho lúa, đồng thời sử dụng phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, ngay từ đầu vụ, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn, nông dân thực hiện các biện pháp chủ động như phát động chiến dịch làm thuỷ lợi nội đồng, diệt chuột, ốc bươu vàng… nhờ vậy toàn bộ diện tích lúa xuân của huyện đang sinh trưởng, phát triển tốt”.
Cũng như huyện Quế Võ, nông dân các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang dồn sức chăm sóc lúa xuân, trong đó biện pháp quan trọng nhất là bón thúc sớm, đầy đủ, cân đối NPK để lúa đẻ nhánh sớm, tập trung nhằm tăng số dảnh hữu hiệu góp phần tăng năng suất lúa. Điều chỉnh mức nước trong ruộng hợp lý, không để mặt ruộng bị khô hoặc ngập sâu ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa non, tiến hành tỉa, dặm, bón thúc kịp thời.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 36.480 ha lúa, đạt 101,3% kế hoạch đề ra, trong đó: Trà xuân trung chiếm 5,6% diện tích, tương ứng 2.050 ha, trà xuân muộn chiếm 94,4% diện tích, tương ứng 34.430 ha. Ông Vũ Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Năm nay lúa xuân sinh trưởng chậm hơn, tốc độ ra lá mới, phát triển rễ và đẻ nhánh chậm. Nguyên nhân chính là do cơ cấu lúa chủ yếu là trà xuân muộn. Sau khi cấy, thời tiết diễn biến phức tạp, trời âm u, ít nắng, kèm theo đợt rét kéo dài từ ngày 9 đến ngày 14-3 đã hạn chế quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa sau cấy. Thời tiết rét kèm theo mưa ẩm cũng tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn và các dịch bệnh khác phát sinh, gây hại. Từ nay đến cuối vụ nông dân tập trung chăm sóc, tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, cần bón thúc cho lúa ngay khi thời tiết ấm để cây có đủ dinh dưỡng đẻ nhánh khỏe. Tập trung bón thúc đợt 1 sớm, bón đủ lượng, cân đối NPK, bón đón đòng đầy đủ trước khi trỗ 20-25 ngày để lúa phân hóa đòng, trỗ bông thuận lợi. Lưu ý với những diện tích có khả năng trỗ muộn cần tăng cường bón Kali, không bón thừa đạm, khi lúa thấp tho trỗ có thể phun Tilsuper, Boom flower hoặc siêu kali để lúa trỗ nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Thực hiện tưới nước tiết kiệm, hiệu quả theo chế độ “nông - lộ xen kẽ” ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, rút nước phơi ruộng ở giai đoạn kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu, bảo đảm đủ nước ở giai đoạn làm đòng, trỗ bông và tưới rút xen kẽ trước khi thu hoạch 10 ngày, chú trọng phòng, trừ sâu bệnh.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, tình hình sinh vật hại lúa xuân năm nay được dự báo sẽ có diễn biến phức tạp. Do đó, bà con thường xuyên thăm đồng, nắm chắc diễn biến thời tiết, tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh để định hướng sử dụng đúng thuốc, đúng thời gian. Ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả, trong đó đặc biệt lưu ý bệnh đạo ôn trên các giống nhiễm như: Lúa nếp, BC15, Q5. UBND các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo đội ngũ khuyến nông cơ sở tích cực tuyên truyền hướng dẫn nông dân, chỉ đạo cán bộ thuỷ nông theo dõi về tình hình tưới tiêu trên địa bàn để đủ nước cho nông dân chăm sóc phòng, trừ hiệu quả sâu bệnh hại lúa.