Công tác chống nhiễm khuẩn, quản lý và xử lý chất thải Y tế ngày càng được đầu tư và mở rộng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng .
Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều có sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý và xử lý chất thải y tế. Toàn ngành có gần 30 đơn vị khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện/TX/TP, trong đó có 15 bệnh viện với tổng số trên 1600 giường bệnh. Ngoài ra còn có 126 trạm Y tế, 165 cơ sở hành nghề y, YHCT tư nhân. Theo ước tính, lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện từ 280 đến 300 kg/24h (180 gram/gường bệnh); chất thải thông thường hay còn gọi là rác thải sinh hoạt từ 1.700 đến 2000kg/24h (1100gram/gường bệnh). Lượng chất thải lỏng cần xử lý phát sinh từ các khoa, phòng (không tính nước mưa, nước thoát bề mặt) khoảng 1600m3/24h.
Rác thải Y tế nếu không được phân loại, quản lý, xử lý tốt sẽ trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
Chất thải được phân loại, thu gom theo nhóm ngay từ khi mới phát sinh, được trang bị túi nilon màu đựng phân loại (màu vàng đựng rác Y tế lây nhiễm, màu xanh cho rác thông thường, màu trắng đựng rác thải tái chế, màu đen đựng các chất thải độc hại). Các túi được đặt trong thùng có nắp đậy, việc sử dụng thùng, túi đựng chất thải theo đúng tiêu chuẩn quy định về mầu sắc, độ cứng ... Hàng ngày, hộ lý hoặc nhân viên Y tế chịu trách nhiệm thu gom chất thải nguy hại và chất thải thông thường từ nơi phát sinh về nơi tập trung, sau đó chuyển đến khu vực thu gom chung của bệnh viện một lần trong ngày và khi cần.
Về vấn đề xử lý chất thải Y tế, tất cả các bệnh viện trong ngành được trang bị riêng hệ thống đốt chất thải rắn hoặc theo cụm bệnh viện. Các cơ sở y tế còn lại (bao gồm cả y tế tư nhân) ký hợp đồng với các bệnh viện để xử lý chất thải. Riêng hệ thống trạm Y tế thì sử dụng lò đốt rác thủ công hoặc chôn lấp hợp vệ sinh, một số trạm ưu có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế sắc nhọn có hiệu quả. Với chất thải thông thường, các đơn vị Y tế ký hợp đồng với Công ty môi trường đô thị các huyện/TX/TP vận chuyển và xử lý.
Theo đánh giá của ngành, 100% chất thải rắn được phân loại và xử lý hợp vệ sinh, tỷ lệ lò đốt chất thải y tế đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đạt 100%, song số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường còn thấp. Bệnh viện Đa khoa tỉnh những năm vừa qua đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng theo tiêu chuẩn môi trường, công suất 450m3/24h ; một số bệnh viện mới đầu tư như BVĐK Từ Sơn, Gia Bình đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Hệ thống xử lý chất thải chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ ở các bệnh viện, phương tiện dụng cụ để phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải thiếu (nhất là y tế xã). Hiện các đơn vị y tế vẫn phải chi phí xử lý chất thải trong điều kiện kinh phí cấp cho các đơn vị còn thấp nên hầu hết các bệnh viện đều gặp khó khăn ; ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân và cộng đồng còn hạn chế. Để thực hiện tốt hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế, phòng chống ô nhiễm môi trường, trong thời gian tới ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho đội ngũ CBCNVC ; xây dựng mô hình và áp dụng các công nghệ xử lý chất thải Y tế phù hợp, thân thiện với môi trường trên cơ sở nguồn trái phiếu Chính phủ về đầu tư nâng cấp bệnh viện tuyến huyện. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án dự án về xử lý chất thải y tế bảo vệ môi trường trong ngành.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm 70% bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện xử lý chất thải y tế theo tiêu chuẩn môi trường (đặc biệt hệ thống xử lý chất thải lỏng). Tuyến xã và các phòng khám tư nhân thực hiện xử lý ban đầu chất thải y tế trước khi thải ra môi trường tại 100% cơ sở y tế, do đặc điểm khối lượng chất thải rắn và lỏng không nhiều, phương án xử lý tại chỗ là phù hợp cho các đơn vị này. Với chất thải rắn y tế, sử dụng thiết bị hủy kim tiêm, khử khuẩn chất thải lây nhiễm, sau đó xử lý như chất thải thông thường hoặc ký hợp đồng với các đơn vị có đủ điều kiện để xử lý; chất thải lỏng có thể sử dụng phương án khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn trước khi xả thải ra môi trường...