khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 16/04/2012 - 13:48

Rối nước Đồng Ngư

Trải qua hơn 10 thế kỷ, người dân thôn Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, Thuận Thành) vẫn gìn giữ nghệ thuật múa rối nước. Trong cuộc sống hôm nay, nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư dẫu còn gặp những khó khăn, nhưng các nghệ sĩ, diễn viên bằng bầu nhiệt huyết, trách nhiệm đang nỗ lực gìn giữ, phát triển nghệ thuật độc đáo này.

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Thành Lai, Trưởng phường rối nước Đồng Ngư khi anh vừa kết thúc đợt biểu diễn rối nước phục vụ lễ kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh (1997-2012). Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Lai nói rằng: Rối nước đã tồn tại, phát triển ở Đồng Ngư hơn 10 thế kỷ, hiện nay, Đồng Ngư là 1 trong 14 phường rối nước của cả nước còn tồn tại và duy trì hoạt động thường xuyên. Cũng có lúc thăng trầm, nhưng ở giai đoạn nào thì rối nước Đồng Ngư cũng có những nét độc đáo cho riêng mình. Đến nay, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, và hơn thế nữa là ý thức, quyết tâm gìn giữ của người dân Đồng Ngư nên phường vẫn phát triển, thường xuyên tổ chức biểu diễn cho người dân trong thôn, nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Theo anh Lai, rối nước Đồng Ngư có những nét đặc sắc riêng, mang đậm nét văn hóa của vùng quê Kinh Bắc. Nghệ thuật múa rối là sự hội tụ của 4 yếu tố: con rối, người điều khiển con rối, dàn nhạc và nhà thủy đình. Với phường rối nước Đồng Ngư, tích trò và yếu tố âm nhạc có nét đặc trưng riêng biệt với các phường rối khác. Trong 15 tích trò của phường hiện đang biểu diễn thì nhiều tích trò gắn liền với văn hóa Quan họ như “Hái cau, mời trầu”, “Quan họ giã bạn”… Thường thường khi biểu diễn phường thường bắt đầu bằng màn “Hái cau mời trầu” và kết thúc bằng “Quan họ giã bạn”… Bên cạnh đó trong nhiều tích trò khác phường đều lồng ghép lời ca Quan họ biểu diễn.

Sự kết hợp hài hòa giữa lời hát và các chủ đề biểu diễn về Quan họ đã giúp cho rối nước Đồng Ngư được mọi người biết đến nhiều hơn… Hàng năm, khi làng vào hội đình, hội chùa, 22 diễn viên, nhạc công, ca sĩ của phường lại chuẩn bị những điều kiện đầy đủ để biểu diễn phục vụ bà con trong làng và khách thập phương. Ngoài ra, phường rối nước Đồng Ngư cũng tổ chức biểu diễn theo chương trình hỗ trợ bảo tồn các hoạt động văn hóa dân gian của Viện Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.

Anh Lai tâm sự: “Trước đây, nhiều đoàn khách du lịch tìm về tận thôn để xem rối nước, nhưng ba năm trở lại đây, do nhiều hộ dân phát triển nghề thu mua phế liệu, môi trường bị ô nhiễm, đường làng, ngõ xóm bụi bẩn… nên các đoàn khách thưa thớt dần”. Không còn đất diễn, các diễn viên, nhạc công phải lặn lội đi đến nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để biểu diễn theo yêu cầu. Ngoài khó khăn về đất diễn, thì cơ sở vật chất, trang thiết bị của phường cũng thiếu thốn đủ bề.

Hiện nay, ngoài hơn 200 con rối thì nhà thủy đình, dụng cụ âm thanh, ánh sáng… đều không có nên mỗi khi đi biểu diễn phường lại phải thuê. Kinh phí để duy trì hoạt động chủ yếu do các thành viên tự đóng góp, thù lao các buổi biểu diễn lại thấp nên không ít người đã phải chuyển nghề hoặc bỏ nghề. Nếu tình trạng này kéo dài mãi sẽ ảnh hưởng lớn đến việc gìn giữ nghệ thuật múa rối ở Đồng Ngư.

Trước những khó khăn, nhiều người trong phường rối nước Đồng Ngư đã nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần gìn giữ, phát triển nghệ thuật múa rối nước cha ông truyền lại. Anh Nguyễn Thành Lai là người đi tiên phong. Năm 2010, với ý tưởng đẩy mạnh xã hội hóa việc bảo tồn các hoạt động văn hóa dân gian, anh đã bỏ hơn 300 triệu đồng để mua trang thiết bị, con rối và thành lập công ty TNHH rối nước Thuận Thành. Ngoài việc biểu diễn các tích trò của phường rối nước Đồng Ngư, anh cũng nghiên cứu, xây dựng nhiều chương trình biểu diễn mới mang đặc trưng của cuộc sống đương đại.

Mùa hè này, anh sẽ ra mắt chương trình “Nụ cười trẻ thơ” với các nội dung mang tính giáo dục đạo đức, lối sống, đầy ắp tiếng cười vui tươi cho trẻ em. Những thành công bước đầu của Công ty TNHH múa rối nước Thuận Thành đang mở ra hướng đi mới cho nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư.

Dẫu vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự trân trọng nét văn hóa đặc sắc cha ông để lại người dân Đồng Ngư đang tích cực bảo tồn và phát triển nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Lê Thanh-Lê Đại
Top