Cầu trường của cổ tích thần kỳ là cầu trường gia đình nhưng ý nghĩa xã hội lớn. Những truyện cổ nhất như Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa… Thường phản ánh những xung đột xã hội giữa hai lực lượng: tốt-xấu, thiện -ác, chính-tà. Bao giờ cổ tích cũng đặt vấn đề bênh vực cho cái tốt, cái thiện, phê phán cái xấu, cái ác. Bởi vậy, cảm quan của cổ tích là cảm quan đạo đức (chứ không phải cảm quan chính trị lịch sử). Những vấn đề được phản ánh trong cổ tích thường là hư cấu. Một nhà nghiên cứu văn học dân gian từng nói: Truyện cổ tích đưa ta về một thế giới khác. Nói đến cổ tích, không ai tin là có thật. Nhưng nói đến truyền thuyết, người ta nghĩ ngay đến lịch sử.
Truyện cổ tích Tấm Cám là truyện cổ tích thần kỳ, ra đời từ rất xa xưa, có nhiều dị bản, mô típ giống nhiều nước trên thế giới (Mô típ dì ghẻ con chồng). Các nhà nghiên cứu đã xác định có đến vài chục truyện trên thế giới có mô típ như truyện Tấm Cám của Việt
Trong quá trình phát triển, truyện Tấm Cám đã có nhiều lớp nghĩa phức tạp phủ lên lớp nghĩa lõi. Sự phát triển của xã hội và nhận thức con người đã làm phức tạp thêm các lớp nghĩa của truyện.
Ban đầu, truyện Tấm Cám đơn giản là câu chuyện phản ánh xung đột trong một gia đình (gia đình Tấm, gồm mẹ ghẻ, Tấm và người em cùng cha khác mẹ là Cám), nhưng ý nghĩa xã hội lớn. Tấm đại diện cho cái thiện, cái tốt. Mẹ ghẻ, Cám đại diện cho cái xấu, cái ác. Hai thế hệ này cũng xung đột trong gia đình. Cuối cùng cái tốt, cái thiện chiến thắng (Tấm được hưởng hạnh phúc, trở thành vợ vua- Hoàng hậu), cái ác, cái xấu bị trừng trị, bị tiêu diệt (dì ghẻ và Cám đều chết). Câu chuyện là sự khẳng định chiến thắng của cái tốt, khẳng định triết lý dân gian: ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.
Quan niệm của nhân dân xưa rất rành mạch và đơn giản. Tất cả các nhân vật đại diện cho cái thiện, cái tốt đều chiến thắng, đều hưởng hạnh phúc. Quan điểm hạnh phúc ngày ấy cũng rất đơn giản: Hoặc là giầu có, hoặc là trở thành vua, quan trạng, hoàng hậu… (mô hình của hạnh phúc là: Được đổi đời).
Còn cái xấu, kẻ ác cuối cùng đều bị trừng phạt, phải chết.
Càng về sau này, nội dung truyện cổ tích Tấm Cám càng được hiểu một cách phức tạp hơn.
Cách đây vài năm, khi làm cải cách giáo dục, đã có không ít người đặt vấn đề: Kết thúc truyện Tấm Cám có yếu tố tàn bạo (Tấm sai người dội nước sôi cho Cám chết). Không nên dạy truyện Tấm Cám cho trẻ vì yếu tố tàn bạo dễ làm chấn thương tâm hồn trẻ. Vì thế trong vài năm, truyện Tấm Cám không được đưa vào chương trình giảng dạy (thật là đáng tiếc).
Gần đây, lại có người đặt vấn đề: Lý giải tại sao có yếu tố tàn bạo trong truyện Tấm Cám. Tại sao một cô gái hiền lành, tốt bụng như Tấm, khi trở thành hoàng hậu lại tàn bạo đến thế. Họ còn cho rằng: Có vấn đề tha hoá của Tấm từ một người tốt bụng thành kẻ tàn bạo, phải chăng sự tha hoá ấy là hệ quả của việc: Một cô gái hiền lành, thường dân, chưa được chuẩn bị gì để làm hoàng hậu, nên khi làm hoàng hậu rất dễ bị tha hoá…
Đúng là, trong con mắt ngày nay, phần cuối của truyện Tấm Cám có yếu tố tàn bạo.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận chi tiết này của truyện trong đặc trưng thể loại cổ tích thần kỳ, để tránh suy diễn, chụp mũ, thậm chí tính cách hoá, chính trị hoá, hiện đại hoá nhân vật cổ tích.
Cảm quan của cổ tích thần kỳ là cảm quan đạo đức chứ không phải cảm quan chính trị lịch sử. Nhân vật của cổ tích thần kỳ thường không mang tính cách, mà chỉ mang phẩm chất. Thế giới nhân vật trong cổ tích thần kỳ chỉ có hai loại: Nhân vật đại diện cho cái thiện, cái tốt và nhân vật đại diện cho cái xấu, cái ác. Trong quan niệm của nhân dân xưa ở cổ tích, cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác. Cái ác bao giờ cũng bị trừng phạt. Nhân vật biểu tượng cho cái ác bao giờ cũng bị trừng phạt. Có hai cách trừng phạt: Hoặc là kẻ ác được tha bổng nhưng sau đó vẫn bị trời phạt (Lý Thông trong truyện Thạch Sanh, người anh trong truyện Cây khế…), hoặc là nhân vật đại diện cho cái thiện phải tự tay trừng phạt kẻ ác. Truyện Tấm Cám thuộc loại thứ hai. Như vậy, việc Tấm dội nước sôi cho Cám chết phải được nhìn dưới góc độ thi pháp của thể loại, là sự tự tay trừng phạt kẻ ác trong quan niệm đạo đức của nhân dân, là kết cục tất yếu của cổ tích, chứ không phải sự biến đổi tha hoá của nhân vật Tấm như một số người dân đây quan niệm. Có như thế mới minh oan được cho nhân vật cổ tích và giữ cho nhân vật Tấm nói riêng và nhân vật người hiền trong cổ tích nói chung vẻ đẹp của cái thiện.