Với huyện vùng trũng Lương Tài, đời sống của nhiều hộ dân còn hết sức khó khăn, nguồn vốn chính sách HSSV là động lực tiếp bước các em đến trường. Thế nhưng kỳ I năm học 2012-2013 sắp trôi qua người dân nơi đây mới được tiếp cận nguồn vốn này.
Chúng tôi có mặt trong buổi giải ngân vốn HSSV lưu động tại xã Phú Hòa (Lương Tài) đã có hơn 200 hộ đến từ rất sớm, xếp hàng để làm thủ tục nhận tiền. Cầm số tiền 10 triệu đồng vừa nhận, chị Nguyễn Thị Duy, thôn Phú Dưới ngậm ngùi: “Năm nay vốn về chậm, ngay từ đầu năm học 2 đứa con tôi đã phải nộp học phí gần 10 triệu đồng nên gia đình phải đi vay khắp nơi. Giá như nguồn vốn HSSV đến sớm hơn tôi không phải vay lãi ngoài để lo cho con nhập học”.

Cho HSSV vay vốn tại xã Phú Hòa (Lương Tài).
Chị Duy tiếp cận nguồn vốn HSSV được 2 năm với dư nợ hiện nay hơn 40 triệu đồng. Theo tính toán của chị, ngoài học phí, mỗi tháng chị phải gửi cho mỗi con nhiều nhất là 1 triệu đồng để sinh hoạt và chi tiêu. Được biết, thu nhập chính của gia đình chị chỉ trông vào mấy sào ruộng. Trong điều kiện lạm phát gia tăng như hiện nay, chị và nhiều hộ dân mong muốn mức hỗ trợ cho mỗi HSSV được tăng hơn con số 5 triệu đồng/ học kỳ.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Lợi, thôn Tĩnh Xá cũng có hai người con đang theo học trường Đại học Y Hải Phòng. Chồng chị làm thuê quanh năm chỉ đủ lo sinh hoạt trong gia đình. Đầu năm học, gia đình chị cũng phải vay lãi ngày 10 triệu đồng gửi gấp cho 2 con. Chưa kịp mừng khi nhận được tiền vốn hỗ trợ để trả nợ, chị lại lo nơm nớp vì chỉ qua Tết Nguyên đán đã đến học kỳ 2, không biết xoay đâu ra tiền cho con nộp học phí kỳ tới.
Chị Lợi tâm sự: “Năm ngoái các con tôi nhập học 2 tuần gia đình tôi đã nhận được nguồn vốn của NHCSXH, nhưng năm học này trôi qua hơn 3 tháng chúng tôi mới được Tổ trưởng Tổ vay vốn thông báo đến trụ sở UBND xã nhận tiền. Nếu vốn đến đúng thời điểm thì gia đình tôi không phải mất hơn 2 triệu tiền lãi trong 3 tháng”. Có lẽ không chỉ gia đình chị Duy, chị Lợi cùng chung nỗi niềm mà rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đều mong muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời để con em họ yên tâm học tập.
Ông Đoàn Đắc Ca, Chủ tịch UBND xã Phú Hòa cho biết: “Kinh tế của địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Toàn xã có gần 3.000 hộ hơn 10.000 nhân khẩu, trong đó có 200 hộ nghèo, 85 hộ cận nghèo. Năm 2012, toàn xã có 150 sinh viên đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học. Vào thời điểm này năm ngoái, các hội, đoàn thể nhận ủy thác giải ngân được hơn 4 tỷ đồng vốn NHCSXH, trong đó vốn HSSV hơn 2 tỷ đồng nhưng năm nay mới được hơn 1 tỷ đồng vốn HSSV. Dẫu biết rằng tình hình kinh tế khó khăn chung, nên ngân hàng chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu của các hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo. Tuy nhiên, người dân rất kỳ vọng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sớm hơn và liền mạch để bảo đảm điều kiện cho con em ăn học”.
Với mong muốn vươn lên thoát nghèo bền vững nên nhiều gia đình đã chăm lo cho con học hành đến nơi đến chốn để làm “của ăn của để” sau này. Niềm tự hào của NHCSXH huyện Lương Tài trong 5 năm qua là góp phần quan trọng, tiếp thêm nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục địa phương bằng nguồn vốn ưu đãi cho vay HSSV.

Cán bộ NHCSXH tỉnh hoàn tất hồ sơ giải ngân vốn HSSV.
Theo ông Nguyễn Huy Bình, Phó Giám đốc NHCSXH huyện thì tổng dư nợ đến ngày 20-11 của đơn vị đạt hơn 189 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn là 79 tỷ đồng với 4.994 lượt HSSV. Doanh số cho vay học kỳ I năm học 2012-2013 là hơn 6 tỷ đồng với 1.260 lượt sinh viên. Đến thời điểm này, ngân hàng đã giải ngân xong 11/14 xã, thị trấn.
Theo kế hoạch còn 3 xã chưa giải ngân sẽ giải ngân trong tháng 11 với số tiền 1.900 triệu đồng. Nhu cầu vốn của người dân nơi đây là rất lớn, NHCSXH cũng chuẩn bị đủ vốn sẵn sàng giải ngân, nhưng vì một số thủ tục hành chính, đặc biệt giấy xác nhận của HSSV chậm, muộn, nên năm học này phải sau ít nhất 1 tháng nhập học các hộ mới được tiếp cận vốn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ NHCSXH tỉnh cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm giải ngân vốn HSSV do còn một số trường Đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp vẫn xác nhận cho HSSV theo mẫu cũ và tiến độ cấp giấy xác nhận quá chậm, ảnh hưởng đến việc làm thủ tục hồ sơ, gây khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn. Hiện nay, có những gia đình tới 3,4 con theo học ở các trường khác nhau nhưng thời điểm có giấy xác nhận HSSV lại không cùng nhau.
Mặc dù cũng có một số trường có giấy xác nhận sớm, hộ có đủ giấy tờ cần thiết nhưng theo nguyên tắc ngân hàng không giải ngân nhỏ lẻ từng hộ mà ủy thác cho các hội, đoàn thể khi mọi thủ tục hoàn tất ngân hàng sẽ giải ngân tại những điểm giao dịch lưu động. Ngoài ra, có khoảng gần 50% các chủ hộ đứng tên vay vốn hết hạn giấy chứng minh thư chưa đổi kịp cũng làm trở ngại trong quá trình hoàn tất thủ tục. Về phía ngân hàng đã chuẩn bị đủ nguồn vốn sẵn sàng giải ngân cho HSSV. Song việc giải ngân quá chậm nên ngân hàng đã phải cắt, giảm 20 tỷ đồng so với kế hoạch.”
Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có dư nợ hơn 631 tỷ đồng cho chương trình tín dụng HSSV hỗ trợ hàng vạn lượt HSSV theo học tại các trường Đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Nguồn vốn NHCSXH là một nguồn lực quan trọng góp phần “trợ sức” cho các em tới trường. Điều này sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu như đồng vốn ưu đãi đến với các gia đình nghèo ngay thời điểm cần tiền đóng học phí. Bởi vậy, để bảo đảm điều kiện học tập và đời sống cho các HSSV, thiết nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và gia đình HSSV. Đồng thời về phía các trường tạo điều kiện cho các em HSSV có giấy xác nhận sớm, qua đó tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại, đưa nguồn vốn ưu đãi kịp thời đến với người dân.